Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Công tác về người Việt Nam ở nước ngoài trong chặng đường 75 năm ngoại giao Việt Nam

Năm 2020 đánh dấu 75 năm xây dựng và trưởng thành của ngành Ngoại giao Việt Nam với với những dấu ấn quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là dịp nhìn lại hơn 60 năm hoạt động của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (tiền thân là Ban Việt Kiều Trung ương), nhất là kể từ khi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài trở thành một trong bốn trụ cột của Ngoại giao Việt Nam.

Thủ tướng gặp gỡ kiều bào tiêu biểu dự Xuân Quê hương 2020

Những dấu ấn sâu đậm

Ngay sau khi nước nhà vừa giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã rất quan tâm tới công tác vận động kiều bào. Ðầu năm 1946, trong thư chúc Tết kiều bào, Người khẳng định: “Tổ quốc và Chính phủ cũng luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ những người con đi vắng. Ðó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà như thế”. Ðặc biệt, trong chuyến thăm nước Pháp năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 30 cuộc gặp để thăm hỏi, động viên và trao đổi công việc với đại biểu các giới kiều bào. Trong chuyến đi này, Người đã trực tiếp vận động một số kiều bào về nước tham gia kháng chiến như kỹ sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước và kỹ sư Võ Đình Quỳnh.

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, đáp ứng nguyện vọng của nhiều kiều bào ta mong muốn trở về Tổ quốc sinh sống và xây dựng đất nước, ngày 23/11/1959, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 416/NĐ-TTg thành lập Ban Việt kiều Trung ương - tiền thân của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN). Đây là lần đầu tiên, một tổ chức chuyên trách được thành lập để giúp Chính phủ theo dõi và chỉ đạo công tác về NVNONN, đồng thời đóng vai trò là cầu nối giữa kiều bào với quê hương, đất nước.

Kể từ năm 1960 đến năm 1975, ngoài việc đón tiếp chu đáo, giải quyết công ăn việc làm và ổn định đời sống cho hơn bốn vạn kiều bào hồi hương, Ban Việt kiều Trung ương tập trung vào việc xây dựng phong trào Việt kiều yêu nước, động viên kiều bào đẩy mạnh các hoạt động ngoại giao nhân dân, tích cực giúp đỡ và phối hợp với các Cơ quan đại diện của ta vận động nhân dân và chính giới các nước, kể cả nhân dân Mỹ, hình thành mặt trận nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ Việt Nam, làm cơ sở hỗ trợ cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau khi đất nước thống nhất, trong giai đoạn 1976-1985, đất nước ta gặp rất nhiều khó khăn; cộng đồng NVNONN phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về thành phần và phức tạp về quan điểm chính trị. Trong bối cảnh đó, Đảng và Nhà nước ta chủ trương huy động cao nhất sự tham gia của kiều bào vào công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh, tăng cường đóng góp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tham gia vận động dư luận quốc tế chống bao vây, cấm vận.

Từ năm 1986, sau khi Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới toàn diện, công tác đối với NVNONN đã có nhiều bước đột phá, gắn liền với yêu cầu của công cuộc đổi mới. Những năm kiên trì sự nghiệp đổi mới, những biến đổi tích cực của đất nước ta, cùng với việc tạo thuận lợi cho kiều bào về nước thăm thân, gửi tiền về nước... đã tác động tích cực tới cộng đồng NVNONN.

Một sự kiện quan trọng đánh dấu bước đổi mới về tư duy trong công tác đối với NVNONN là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 29/11/1993, về công tác vận động NVNONN. Lần đầu tiên, quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam” được khẳng định trong văn kiện của Đảng. Nghị quyết cũng là cơ sở để Chính phủ ban hành Nghị định số 74-CP, ngày 30/7/1994, về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) thay thế Ban Việt kiều Trung ương và Nghị định 77/CP, ngày 6/11/1995, của Chính phủ, đặt Ủy ban trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Năm 2004 là mốc thời gian ghi đậm những chuyển biến cơ bản và tạo động lực mới trong công tác về NVNONN. Trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Ủy ban đã chủ động đề xuất, tham mưu và xây dựng Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 26/3/2004, của Bộ Chính trị, về công tác NVNONN. Nghị quyết là một văn kiện có ý nghĩa lịch sử, có giá trị cơ bản, to lớn, toàn diện và lâu dài thể hiện sâu sắc tư duy đổi mới của Đảng ta về công tác đối với NVNONN. Thực tiễn sinh động “NVNONN là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” được phản ánh rõ nét trong Nghị quyết, trở thành nhận thức chung của cả hệ thống chính trị, được cụ thể hóa thành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến NVNONN, trong đó có văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp năm 2013.

Ngày 19/5/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 45-CT/TW, về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về công tác với NVNONN trong tình hình mới, kế thừa những quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 36, đồng thời nhấn mạnh các nhóm nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thời gian tới. Hiện Bộ Ngoại giao - Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài đang tiến hành các bước chuẩn bị tổ chức Hội nghị sơ kết năm năm thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TW nhằm rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, những bất cập, hạn chế cần tháo gỡ, thúc đẩy hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức và hành động của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đối với NVNONN.

Tóm lại, do có sự gắn kết ngày càng chặt chẽ công tác NVNONN với công tác đối ngoại chung của đất nước, công tác về NVNONN đã có nhiều chuyển biến và đạt được những kết quả quan trọng. Ủy ban đã đẩy mạnh việc tham mưu, đề xuất nhiều chủ trương, chính sách đối với NVNONN; trực tiếp góp phần hình thành nhiều văn bản pháp lý tạo thuận lợi cho kiều bào trên hàng loạt vấn đề như cơ chế sử dụng chuyên gia, trí thức là NVNONN, các quy định về hồi hương, xuất, nhập cảnh, lưu trú, mua nhà, khen thưởng, đầu tư, kinh doanh... Việc triển khai những chủ trương, chính sách trên đã phát huy hiệu quả to lớn, đem lại những lợi ích thiết thực cho kiều bào, qua đó ngày càng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với cộng đồng NVNONN, tạo được nhận thức đúng đắn, tình cảm gắn bó và sự đóng góp tích cực của bà con đối với công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đông đảo kiều bào thực hiện nghi lễ thả cá phóng sinh tại Đền Đô – Bắc Ninh

Sự gắn kết của kiều bào với quê hương

Cộng đồng NVNONN hiện nay không ngừng phát triển cả về lượng và chất, với khoảng 5,3 triệu người tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hơn 500.000 người có trình độ đại học trở lên, nhiều người là kỹ sư, chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế, tài chính và một số đã tham gia hệ thống chính trị của các nước. Hằng năm, có khoảng 400 - 500 lượt chuyên gia, trí thức NVNONN tham gia hoạt động khoa học - công nghệ ở Việt Nam.

Với hơn 3.000 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỷ USD, các doanh nhân NVNONN trở về nước đầu tư, kinh doanh đã góp phần tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Lượng kiều hối lũy kế từ năm 1993 đến nay đạt khoảng 160 tỷ USD, góp phần quan trọng trong việc cân bằng cán cân thanh toán, là nguồn vốn đầu tư góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Với nhận thức sâu sắc về việc mỗi người Việt Nam là một “đại sứ văn hóa”, NVNONN đã tích cực, chủ động cùng với Ủy ban và các cơ quan liên quan trong triển khai chính sách ngoại giao văn hóa bằng nhiều hình thức khác nhau, nhất là tại các địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống, như Nhật Bản, EU, Nga, Trung Quốc, Mỹ... Với sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Ủy ban, phong trào học và dạy tiếng Việt cũng lan tỏa trên khắp các châu lục, nâng cao ý thức của kiều bào đối với việc duy trì tiếng Việt, bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc.

Mặc dù cư trú ở những khu vực địa lý khác nhau với hoàn cảnh khác nhau, nhưng đại đa số NVNONN có tình cảm gắn bó với quê hương, đất nước, là bộ phận “máu thịt” của cộng đồng dân tộc Việt Nam, góp phần củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hoạt động “về nguồn” như Xuân Quê hương, Lễ Giỗ tổ Hùng Vương, các chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè Việt Nam... do Ủy ban tổ chức luôn thu hút sự quan tâm và tham gia đông đảo của kiều bào từ khắp các châu lục. Nhiều cá nhân, tổ chức kiều bào có quan điểm cực đoan, đối lập đã có sự chuyển biến về nhận thức, ủng hộ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.

Trên tinh thần đẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển, công tác thu hút nguồn lực NVNONN được hướng mạnh vào những nhu cầu cấp bách của đất nước trong bối cảnh của cách mạng công nghiệp 4.0, điển hình là các sáng kiến của Ủy ban góp phần tạo luồng sinh khí mới cho phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam thông qua “Diễn đàn kết nối các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo của người Việt tại Hoa Kỳ và Việt Nam” năm 2017 và 2018. Cuối năm 2018, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam được thành lập, quy tụ 100 chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài, tạo bước đột phát mới trong đoàn kết, tập hợp chuyên gia, trí thức kiều bào hướng vào những nhiệm vụ phát triển cụ thể của đất nước.

Kiều bào tham dự hoạt động trong khuôn khổ Xuân Quê hương 2019

Hiện nay, do đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn thế giới, ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của đại đa số bà con kiều bào ta ở nước ngoài, công việc làm ăn, kinh doanh bị đình trệ, mất việc làm, tâm lý lo lắng, hoang mang... Trước tình hình đó, các cơ quan, ban, ngành đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ cộng đồng NVNONN phòng chống dịch bệnh, động viên bà con bình tĩnh, tương trợ để cùng nhau vượt qua khó khăn. Ở chiều ngược lại, cộng đồng NVNONN cũng tiếp tục đồng lòng, chung sức, sát cánh cùng đất nước và nhân dân trong nước trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Ngành ngoại giao đang bước vào thời kỳ chiến lược mới của đất nước với tâm thế mới. Thế và lực của đất nước ngày càng được tăng cường do những thành tựu và kinh nghiệm gần 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế mang lại, vị thế đất nước ngày càng nâng cao trên trường quốc tế. Cộng đồng NVNONN, với vai trò ngày càng tăng và địa vị ngày càng ổn định, với tiềm năng và thế mạnh của mình, thực sự là bộ phận không tách rời, là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh đó, công tác về NVNONN cần tiếp tục được đổi mới, đột phá trên cơ sở vận dụng sáng tạo chủ trương lớn về đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tạo nên sức mạnh cộng hưởng cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới./.

Nguồn: baoquocte.vn

Theo Báo Thế giới & Việt Nam
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang