Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Cao Bằng: ‘Đất lành’ cho nhà đầu tư ASEAN
Cao Bằng còn nhiều lợi thế tự nhiên như kinh tế cửa khẩu, du lịch, tài nguyên khoáng sản, thủy điện… dành cho các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư đến từ khu vực ASEAN nói riêng đến tìm hiểu và khai thác.

Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh tặng quà lưu niệm cho đoàn Đại sứ các nước ASEAN tại Triển lãm Ảnh và phim phóng sự - tài liệu các nước ASEAN tại Cao Bằng năm 2018. 

Mảnh đất giàu tiềm năng

Cao Bằng là tỉnh miền núi, biên giới, nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, phía Tây giáp tỉnh Hà Giang, phía Nam giáp tỉnh Bắc Kạn và Lạng Sơn, phía Bắc và Đông Bắc giáp tỉnh Quảng Tây - Trung Quốc. Tỉnh có diện tích đất tự nhiên 6.724,6 km2, với diện tích rừng chiếm trên 61%, là điều kiện để phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với chế biến.

Bên cạnh đó, Tỉnh có trữ lượng khoáng sản khá lớn, bao gồm quặng sắt, quặng bauxit. Đây là điều kiện cho phép phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp khai khoáng và chế biến.

Ngoài ra, tỉnh còn có nguồn tài nguyên nước phong phú, nhiều con sông có độ dốc khá lớn, đây là điều kiện để phát triển thủy điện vừa và nhỏ. Một số sản phẩm khoáng sản có thương hiệu của tỉnh Cao Bằng như: Fero mangan của Công ty cổ phần Khoáng sản NIKKO Việt Nam; Phôi thép của công ty cổ phần gang thép Cao Bằng...

Địa phương này cũng sở hữu nhiều khu di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, du lịch tâm linh. Một số điểm du lịch nổi tiếng phải kể đến: Khu du lịch Thác Bản Giốc - Động Ngườm Ngao, Chùa phật tích Trúc Lâm; Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó; Khu di tích Quốc gia đặc biệt: Di tích lịch sử địa điểm chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An; Tuyến du lịch Công viên Địa chất UNESCO Non Nước Cao Bằng…

Hiện nay, Tỉnh đang đẩy mạnh khai thác, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đặc biệt, với vị trí nằm ở cửa ngõ giao lưu hàng hóa từ Quảng Tây và các tỉnh Tây, Tây Nam (Trung Quốc) ra biển và đến các nước ASEAN, thông qua các tuyến đường Quốc lộ 4A (Cao Bằng- Lạng Sơn- Hà Nội- Hải Phòng), Quốc lộ 3 (Cao Bằng- Thái Nguyên- Hà Nội) nối với các trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam, Cao Bằng là điểm đến thuận lợi để phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại và dịch vụ, nhất là phát triển kinh tế biên mậu.

“Trải thảm” đón sóng đầu tư

Những năm gần đây tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Cao Bằng không ngừng đổi mới và tiếp tục phát triển. Năm 2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,23%. Hệ thống cơ sở hạ tầng cũng đang được Tỉnh tập trung đầu tư xây dựng các tuyến đường giao thông, hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng phục vụ du lịch, dịch vụ...

Đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có tất cả 12 dự án có vốn đầu tư  nước ngoài của 9 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 21,675 triệu USD và 618 tỷ đồng. Với phương châm “Tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư để phát triển”, Cao Bằng luôn coi trọng việc hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để các dự án đầu tư được triển khai thực hiện một cách nhanh chóng nhất.

Để thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước, Cao Bằng đã áp dụng đúng các cơ chế chính sách thu hút đầu tư do Chính phủ Việt Nam ban hành đối với các đầu tư trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng nhiều ưu đãi bao gồm: Miễn tiền thuê đất cho một số dự án theo quy định, Hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi; Ưu đãi thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Được hỗ trợ xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ và xúc tiến thương mại; Được cam kết bảo đảm đầu tư…

Thời gian tới, Cao Bằng khuyến khích thu hút đầu tư vào các lĩnh vực phát triển công nghiệp hỗ trợ; sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; phát triển bền vững nông nghiệp, nông thôn. Đặc biệt, Cao Bằng mời gọi các nhà đầu tư vào du lịch, kết nối giao thông quốc gia và quốc tế.

Trong tương lai, Tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng như phát triển mạnh về du lịch theo hướng bền vững; phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đảm bảo an ninh lương thực… Song song với đó, Cao Bằng sẽ tập trung triển khai nhiều cơ chế chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư đến từ các nước ASEAN nói riêng đến tìm hiểu, tham gia đầu tư tại địa phương.

Theo Báo Thế giới & Việt Nam
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang