Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Cao Bằng tập trung phát triển hạ tầng giao thông tạo sự lan tỏa, nâng cao giá trị đất đai, mở ra không gian phát triển mới.
Lượt xem: 3080

Ngày 16/01, Thủ tướng Chính phủ có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Cao Bằng. Cùng đi có đồng chí  Hầu A Lềnh, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ ngành Trung ương.

Thành phần làm việc với Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ có đồng chí Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.

 

Toàn cảnh buổi làm việc

Năm 2022, mặc dù chịu nhiều tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới, khu vực, và trong nước, ảnh hưởng lớn bởi đại dịch COVID-19, ngay từ đầu năm Đảng bộ tỉnh Cao Bằng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chương trình trọng tâm, nội dung đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 và đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Theo báo cáo tại cuộc làm việc, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 đạt 5,04%. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được quan tâm triển khai thực hiện, duy trì 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân tỉnh đạt 11,63 tiêu chí/xã, tăng 0,56 tiêu chí/xã so với năm 2021. Giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (theo giá hiện hành) đạt 5.620 tỉ đồng, bằng 106% so với năm trước, đạt 100% kế hoạch (KH); kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 884,92 triệu USD, vượt 40% KH, tăng 11% so với năm trước. Tổng vốn quản lý và huy động trên địa bàn tỉnh đạt 26.000 tỉ đồng, tăng 3,5% so với đầu năm.

Thu ngân sách trên địa bàn đạt 3.966 tỉ đồng, bằng 236% dự toán Trung ương giao, vượt 96% KH, tăng 104% so với năm trước, trong đó thu nội địa được 1.305/1.464 tỷ đồng, bằng 89% dự toán Trung ương giao. Chi ngân sách địa phương đạt 7.416,07 tỉ đồng, bằng 70% dự toán Trung ương.

Công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư, xây dựng, giao thông được quan tâm triển khai quyết liệt, đồng bộ. Tổ chức rà soát, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch của 10/10 đô thị trên toàn tỉnh. Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Cao Bằng đến năm 2040 với quy mô 30.130 ha đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn thành hồ sơ quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, chờ Hội đồng thẩm định Quốc gia thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Giải ngân Kế hoạch đầu tư công năm 2022 tính đến ngày 31/12/2022 được 66,3%, dự kiến đến ngày 31/01/2023 đạt 85,4% KH.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả; lượng khách du lịch trong năm đạt 1.102.934 lượt khách, tăng 165% so với năm trước; doanh thu đạt 622 tỉ đồng, tăng 762,3% so với năm trước. Công tác phát triển giáo dục và đào tạo quan tâm thường xuyên; đến hết năm 2022, toàn tỉnh có thêm 10 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 166% KH. Công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ Nhân dân, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch COVID-19 được chú trọng; Công tác xoá đói giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên,  tỷ lệ hộ nghèo giảm 4,29%, đạt 107,25% KH. 

Tình hình quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị đối ngoại Quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc lần thứ 07; hoàn thành công tác tuyển quân đạt 100% kế hoạch. Công tác củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ được chú trọng, hoàn thành kế hoạch chức danh chủ chốt cấp tỉnh nhiệm kỳ mới bảo đảm cơ cấu, điều kiện. Thực hiện sắp xếp, tổ chức lại các phòng, giảm 13 phòng chuyên môn cấp huyện.

Năm 2023, tiếp tục bám sát các Nghị quyết, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Tăng cường thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ngành và huyện, thành phố tập trung nguồn lực để khởi công thực hiện dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng); hoàn thành quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia, đảm bảo an sinh, phúc lợi xã hội; thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác dân tộc, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ. Chú trọng xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh; tiếp tục củng cố, kiện toàn, sắp xếp, tinh giản tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, điều hành của bộ máy hành chính các cấp; cải tiến lề lối làm việc theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cưởng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực...

 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Hồng Minh báo cáo kết quả tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh

Tỉnh Cao Bằng kiến nghị: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính quan tâm, cân đối bố trí kinh phí cho tỉnh Cao Bằng thực hiện hoàn thành việc xóa nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Đề nghị sớm ban hành các văn bản hướng dẫn về giải ngân vốn đầu từ năm 2022, 2023 để địa phương có cơ sở thực hiện Dự án 1 thuộc Chương trình MTQG phát triển vùng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2022. Quan tâm tạo điều kiện bố trí vốn ngân sách Trung ương bố trí vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ tỉnh hoàn thành dự án tuyến kết nối thành phố Cao Bằng với cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đề nghị hỗ trợ từ vốn trung ương để giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư tạo sinh kế cho người dân tại Khu du lịch thác Bản Giốc. Đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Ngoại giao hỗ trợ tỉnh tổ chức làm việc với phía bạn Trung Quốc để đẩy nhanh tiến độ công nhận, nâng cấp các cửa khẩu. Đề nghị Trung ương và các Bộ ngành quan tâm đến đầu tư nâng cấp các tuyến đường kết nối các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng ....

Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Quốc hội Hầu A Lềnh phát biểu

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành phát biểu đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; đánh giá tiềm năng, thế mạnh và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển tỉnh Cao Bằng; giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh. Các đại biểu cho rằng điểm quan trọng nhất để Cao Bằng phát triển là phải phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông để kết nối, khơi dậy các cực tăng trưởng và mở ra không gian phát triển mới, nhất là kinh tế vùng biên, cửa khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Cao Bằng đã đạt được, nhất là trong phòng, chống dịch, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng; đảm bảo an sinh xã hội, nhất là thực hiện xóa nhà tạm bợ, dột nát.

Thủ tướng chỉ đạo, tỉnh Cao Bằng tiếp tục quán triệt, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; Nghị quyết 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đặc biệt, Cao Bằng phải triển khai thực hiện hiệu quả kết quả chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa qua.

Thủ tướng đề nghị tỉnh cần có hành động quyết liệt, hiệu quả, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, nhất là trong đầu tư phát triển hạ tầng chiến lược, phấn đấu đạt kết quả cao nhất nhiệm vụ năm 2023 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Về hạ tầng giao thông, tỉnh cần xác định và tập trung cao độ, làm bằng được những công trình cần nhất để phát huy hiệu quả lan tỏa, nâng cao giá trị đất đai, mở ra không gian phát triển mới. Cần đẩy mạnh phát triển thương mại - dịch vụ với Trung Quốc; xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; xây dựng phòng tuyến hợp tác cạnh tranh kinh tế quốc tế. Tỉnh cần tiếp tục triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và các loại dịch bệnh khác; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó và triển khai đáp ứng với mọi tình huống có thể xảy ra.

Tỉnh thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa an toàn gắn với quy chuẩn, tiêu chuẩn hóa và truy xuất nguồn gốc; phát huy, nâng cao giá trị gia tăng công nghiệp chế biến khoáng sản; đẩy mạnh công nghiệp chế biến nông sản, thu hút các ngành công nghiệp mới; chú trọng đầu tư hạ tầng cho phát triển công nghiệp; nâng cao hiệu quả khu công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu. Tỉnh cần tập trung đầu tư phát triển du lịch để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ; chú trọng chuyển đổi số, phát triển thương mại điện tử để nâng cao khả năng kết nối, quảng bá và mở rộng thị trường.

Tỉnh phải xác định công tác quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, quy hoạch phải đi trước một bước, có tầm nhìn dài hạn, chiến lược, vừa phát huy tiềm năng, thế mạnh, vừa khắc phục hạn chế. Chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông kết nối. Đề nghị Cao Bằng phải thực hiện quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, nâng cao xếp hạng về năng lực cạnh tranh để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Tăng cường công tác giáo dục chất lượng cao, xây dựng thêm nhiều trường nội trú. Coi trọng độc lập chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm tốt công tác đối ngoại. Phải chú trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm các sai phạm.

 

Kim Cúc

 

 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1