Kết quả thực hiện các nội dung đột phá về phát triển nông nghiệp năm 2022
Lượt xem: 3011

Theo báo cáo kết quả thực hiện nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến năm 2022, đến nay, có 9 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Thực hiện nguồn vốn năm 2022, có 176.611,8 triệu đồng chi cho thực hiện Kế hoạch đột phá nông nghiệp. Trong đó, ngân sách nhà nước 44.312 triệu đồng, nguồn vốn từ người dân và doanh nghiệp134.299,8 triệu đồng. Cụ thể: lĩnh vực trồng trọt, kinh phí thực hiện 83.464 triệu đồng; lĩnh vực chăn nuôi, kinh phí thực hiện 29.093,5 triệu đồng; lĩnh vực lâm nghiệp 45.470,51 triệu đồng; vốn hỗ trợ phát triển sản phẩm 2.083,8% triệu đồng từ ngân sách nhà nước; vốn hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, vườm ươm giống nông lâm nghiệp 18.500 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.

UBND tỉnh đã bố trí 05 tỷ đồng để thực hiện Nghị quyết số 20/2019/NQ-HĐND ngày 12/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; 1,5 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết 47/2020/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành quy định nội dung chi, mức hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông địa phương; 10 tỷ đồng thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-HĐND ngày 16/12/2020 của HĐND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Năm 2023 tăng diện tích trồng mới cây Lê 80ha

Đối với lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, năm 2022 toàn tỉnh trồng mới 36,78ha cây Lê, đạt 183,9% KH năm, bằng 12,1% KH giai đoạn 2022-2025, nâng tổng diện tích lên 458,72 ha. Trồng mới được 60ha cây Dẻ, bằng 41,37% KH năm, bằng 8,57 % KH giai đoạn, nâng tổng diện tích cây Dẻ lên 714ha; trồng mới được 94,8ha cây Thạch đen, bằng 94,8% KH năm, bằng 61% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích lên 610 ha; trồng mới được 233,5ha cây thuốc lá, đạt 233,5% KH năm, bằng 25,8%KH giai đoạn, nâng tổng diện tích lên 3.289 ha. UBND tỉnh đã hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi trâu bò với hai hình thức: Hỗ trợ làm 1.020 chuồng trại chăn nuôi và làm chuồng trại cho 1.372 con trâu bò tại các huyện, thành phố; hõ trợ mua 2.019 con giống lợn thịt; trồng cỏ chăn nuôi đạt 11,6 ha. Hỗ trợ dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa, đến nay, đã san lấp nền được khoảng 80%, lắp đặt hàng rào được 60%.

Đối với lĩnh vực lâm nghiệp: trồng mới được 761ha cây Hồi, đạt 608% KH năm 2022, bằng 66,3%KH giai đoạn, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 7.538 ha; trồng mới 1.503 ha cây Quế, đạt 334% KH năm, bằng 83,5% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích lên 4.908 ha; Trồng mới 72ha cây Mắc ca, đạt 144% KH năm, nâng tổng diện tích toàn tỉnh lên 90 ha, đạt 15% KH giai đoạn; Trồng mới 44 ha cây Trúc sào, đạt 14,6% KH năm, bằng 3,6% KH giai đoạn, nâng tổng diện tích lên 4.198 ha.

Về đầu tư xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND tỉnh đã phê duyệt 02 dự án, gồm: Dự án xây dựng khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện, với tổng vốn đầu tư 16,5 tỷ đồng; Dự án đầu tư phát triển nông nghiệp thông minh do Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì thực hiện, với tổng vốn đầu tư 02 tỷ đồng. Hiện nay, đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai dự án.

Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được quan tâm hỗ trợ phát triển, dự kiến trong năm 2022, tỉnh phấn đấu có 44 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên; hỗ trợ cơ sở sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGap cho 16 cơ sở; hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác và truy xuất nguồn gốc cho 36 cơ sở sản xuất, kinh doanh tại các huyện Quảng Hòa, Nguyên Bình, Thạch An, Trùng Khánh và thành phố Cao Bằng. Các địa phương đã lồng ghép các nguồn kinh phí từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các Nghị quyết của HĐND tỉnh để hỗ trợ mua giống cây, phân bón cho các hộ trồng cây Dẻ, Lê, Trúc sào, Hồi, Quế, Mắc ca; hỗ trợ xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò; hỗ trợ phát triển lợn thịt.

Công tác xúc tiến đầu tư được chú trọng bằng việc ban hành Quyết định số 1452/QĐ-UBND ngày 10/10/2022 của UBND tỉnh về ban hành danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh Cao Bằng để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư vào tỉnh, trong đó có 20 dự án đầu tư thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm thực hiện thẩm định hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho 2 dự án: Dự án sản xuất dâu tây, hoa hồng và rau quả tươi ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh của Hợp tác xã Nông nghiệp Trường Anh; Dự án trồng cây nho hạ đen hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao của Công ty cổ phần Hoàng Thành Cao Bằng. Thực hiện rà soát 26.787 ha đất rừng phòng hộ ít sung yếu để tích hợp vào quy hoạch chung tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050; rà soát diện tích đất phù hợp với các loại cây trồng đặc sản, đặc hữu; khảo sát địa điểm, chuẩn bị triển khai xây dựng vườn ươm; nhà sơ chế, nhà bảo quản…

Phấn đấu tăng diện tích trồng mới cây thuốc lá 200ha

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác thực hiện các nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến còn một số khó khăn, hạn chế về thể chế, chính sách cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh; quy mô trồng trọt – chăn nuôi còn nhỏ lẻ mang yếu tố hộ gia đình; người dân mới tiếp cận nên chưa hình thành được nhiều chuỗi giá trị từ người sản xuất – doanh nghiệp – thị trường tiêu thụ sản phẩm; điều kiện hạ tầng giao thông, chi phí vận chuyển, bảo quản nông sản, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến còn nhiều khó khăn; việc xúc tiến các dự án có quy mô lớn còn chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra. Việc lồng ghép các nguồn vốn nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp ở một số địa phương còn lúng túng…

Để tiếp tục thực hiện tốt các nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến năm 2023 tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, quán triệt về Kế hoạch thực hiện nội dung đột phá nông nghiệp bằng nhiều hình thức để phổ biến sâu rộng đến toàn thể người dân và các tổ chức, doanh nghiệp; tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng: thu hút, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, tập trung, ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến; thực hiện liên kết từ đầu tư đến bao tiêu sản phẩm. Tăng diện tích trồng mới cây Lê 80 ha, cây Dẻ 185 ha, Thạch đen 125 ha, Thuốc lá 200 ha. Tiếp tục phát triển chăn nuôi hộ gia đình, gia trại, trang trại thông qua việc hỗ trợ làm chuồng trại cho 1.500 con trâu, bò sinh sản, vỗ béo, lợn nái; hỗ trợ mua con giống, hỗ trợ trồng cỏ chăn nuôi; tiếp tục rà soát diện tích đất có thể phát triển lâm nghiệp để trồng thêm cây Hồi 125ha, cây Quế 100ha, Trúc sào 300ha, cây Mắc ca 150ha. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hoặc ban hành mới các cơ chế, chính sác đảm bảo phù hợp với điều kiện của tỉnh; chú trọng các cơ chế chính sách khuyến khích thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông minh, công nghệ cao vào sản xuất. Tăng cường lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; huy động, bố trí, lồng ghép các nguồn vốn từ ngân sách trung ương như Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu, các nguồn vốn vay… các chính sách của tỉnh về hỗ trợ phát triển nông nghiệp để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch thực hiện các nội dung đột phá về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến giai đoạn 2022-2025.

Dương Liễu





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1