Nguyễn Hữu Thọ - người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo tài năng của cách mạng Việt Nam
Lượt xem: 6747

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trên bất cứ cương vị nào, đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đem hết sức lực của mình phục vụ cho Ðảng, đất nước và nhân dân. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí (1910 - 2020), chúng ta cùng ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tôn vinh công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với đất nước.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (giữa). Ảnh: T.L

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ (bí danh Ba Nghĩa), sinh ngày 10/7/1910 trong một gia đình công chức tại Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn cũ, nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Năm 1921, mới 11 tuổi, Nguyễn Hữu Thọ sang du học tại trường Trung học Mignet, miền Tây Nam nước Pháp. Năm 1932, sau khi tốt nghiệp Cử nhân Luật hạng ưu tại Pháp, với tài năng và trí tuệ vượt trội, ông được nhiều trường đại học và văn phòng luật sư danh tiếng ở Pháp mời làm việc. Nhưng với mong muốn đem kiến thức giúp dân, giúp nước, ông trở về Tổ quốc, hoạt động luật sư và trở nên nổi tiếng khắp Nam Kỳ.

Luật sư Nguyễn Hữu Thọ sớm tham gia vào phong trào yêu nước đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ trong những năm 1940 - 1945. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ông trở thành một trí thức yêu nước ủng hộ chính quyền của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, Luật sư tham gia kháng chiến bằng nhiều hình thức, tích cực hoạt động trong phong trào đấu tranh công khai của các tầng lớp Nam Bộ. Trong việc bào chữa cho các chiến sĩ yêu nước, cách mạng hay những đồng bào bị rơi vào tay địch bị đưa ra xét xử, ông không chỉ thể hiện tấm lòng yêu mến, kính trọng mà còn biểu lộ tinh thần yêu nước, chiến đấu chống kẻ thù. Ông đã dựa vào luật pháp của địch để tố cáo tội ác của chúng.

Ngoài nhiệm vụ của một luật sư yêu nước cách mạng, Nguyễn Hữu Thọ còn tiến hành cuộc đấu tranh yêu nước trong nhiều hoạt động khác, như vận động các trí thức Sài Gòn ra bản “Tuyên ngôn đòi Chính phủ Pháp chấm dứt chiến tranh xâm lược, đàm phán với chính phũ kháng chiến để lập lại hòa bình trên cơ sở công nhận độc lập, tự do cho Việt Nam”.

Ngày 16/10/1949, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trở thành người cộng sản, tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh của Nguyễn Hữu Thọ càng tăng lên. Trong những năm 1949 -1950, cuộc đấu tranh yêu nước, chống thực dân Pháp của nhân dân các vùng bị tạm chiếm, đặc biệt ở Sài Gòn - Chợ Lớn lên cao. Nguyễn Hữu Thọ hòa nhập vào cuộc đấu tranh này không chỉ là một thành viên tích cực mà còn với tư cách một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, có trách nhiệm lãnh đạo phong trào. Chỉ mấy tháng sau khi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, Nguyễn Hữu Thọ đã phát huy vai trò của một đảng viên cộng sản hoạt động bí mật, trong phong trào đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Chợ lớn mà đỉnh cao là cuộc biểu tình nhân đám tang của học sinh Trần Văn Ơn, người phản đối thực dân Pháp và ngụy quyền Bảo Đại đàn áp dã man, giết hại nhiều học sinh. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Hữu Thọ, phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã nổ ra mạnh mẽ. Nhằm cô lập ông với phong trào cách mạng, thủ tiêu ý chí của ông, thực dân Pháp và ngụy quyền Sài Gòn đày ải Nguyên Hữu Thọ ra vùng Tây Bắc, nhưng khi trở về Sài Gòn ông lại tiếp tục đâu tranh công khai - bào chữa cho các chiến sĩ kháng chiến bị bắt, tham gia phong trào hòa bình (năm 1954).

Trong những năm đấu tranh cho hòa bình, bị bắt giam ở Sài Gòn (năm 1954), bị đưa ra an trí ở Hải Phòng (1955), Phú Yên (1955 - 1961), Nguyễn Hữu Thọ đã trải qua những năm tháng gian khổ, nhưng ông đã thể hiện khí tiết kiên cường của một đảng viên cộng sản. Sau khi được cứu thoát, Nguyễn Hữu Thọ trở về vùng giải phóng và trở thành người lãnh đạo Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Từ đây, ông đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân chiến đấu với kẻ thù. Chí khí cách mạng, sự thông minh tài giỏi, phẩm chất đạo đức cách mạng là nhân tố quan trọng tạo nên một Nguyễn Hữu Thọ bất khuất kiên cường, giương cao ngọn cờ đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Tháng 2/1962, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức và đồng chí được bầu làm Chủ tịch. Tháng 3/1964, Đại hội Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ hai đã bầu đồng chí làm Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận. Tháng 6/1969, đồng chí được cử làm Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.

Sau khi thống nhất đất nước, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII và được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 6/1976). Ngày 5/4/1980, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ được Quốc hội cử làm Quyền Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cũng tại kỳ họp này, các đại biêu Quốc hội đã thảo luận và thông qua bản Hiến pháp mới. Trên cương vị Quyền Chủ tịch nước, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã ký lệnh Công bố bản Hiến pháp năm 1980. Hiến pháp năm 1980 đã thể chế hóa đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa của Đảng và Nhà nước Việt Nam, khẳng định rõ những quyền hạn và nghĩa vụ của công dân Việt Nam trong giai đoạn cách mạng mới.

Trên cương vị Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Việt Nam (1981 - 1987),  đồng thời trên cương vị là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (1989 - 1994), cho tới những năm cuối đời, với kiến thức luật học uyên bác, với tinh thần trách nhiệm cao đối với Tồ quốc và nhân dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã hoạt động không mệt mỏi; đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó và có những đóng góp to lớn vào việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ luôn kiên định lập trường cách mạng; kiên quyết đấu tranh với kẻ thù, bảo vệ công lý, lẽ phải, bảo vệ nhân dân. Trong những năm tháng bị địch bắt, tra tấn, đày ải trong các nhà tù, trại giam của thực dân, đồng chí Nguyễn Hữu Thọ đã luôn thể hiện rõ tinh thần trung kiên, bất khuất, một lòng một dạ trung thành với mục tiêu lý tưởng cách mạng, giữ trọn khí tiết của người đảng viên cộng sản, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.

Đồng chí Nguyễn Hữu Thọ có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí là hiện thân của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; một nhà lãnh đạo tài năng, một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng; có tác phong, lối sống giản dị, khiêm tốn; suốt đời phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương đạo đức sáng ngời, sự nghiệp hoạt động cách mạng vẻ vang và công lao to lớn đối với Đảng và dân tộc ta của đồng chí mãi được ghi nhớ, tôn vinh, học tập và noi theo bởi các thế hệ hôm nay và mai sau.

 

Theo baocaobang.vn

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1