Tháng 7 – Tháng tưởng nhớ và tri ân
Lượt xem: 4412

Tháng 7, tháng tri ân, tháng đền ơn đáp nghĩa, tháng của những tưởng nhớ và hoài niệm trong dạt dào cảm xúc thiêng liêng. Đây là khoảng thời gian mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đầy tình nghĩa đối với các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Theo suốt chiều dài lịch sử của đất nước, truyền thống “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” ấy đã được các thế hệ người Việt Nam xây dựng, gìn giữ để tri ân những hy sinh, mất mát của những người đã hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Lịch sử ngày Thương binh, liệt sỹ

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước CHXHCN Việt Nam) ra đời chưa được bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Kiên quyết bảo vệ thành quả cách mạng, giữ gìn độc lập tự do, quân và dân ta ở những nơi thực dân Pháp gây hấn đã chiến đấu anh dũng, chặn lại bàn tay đẫm máu của thực dân xâm lược. Trong cuộc chiến đấu này, nhiều chiến sỹ đồng bào ta đã bị thương, có người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi cả chồng và các con ngoài mặt trận… Đầu năm 1946, Hội giúp binh sỹ bị nạn ra đời ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), rồi đến Hà Nội và một số địa phương khác... Sau đó, được đổi thành Hội giúp binh sỹ bị thương. Ở Trung ương có Tổng Hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch danh dự của Tổng Hội.

Ngày 28/5/1946, Hội giúp binh sỹ bị nạn tổ chức cuộc nói chuyện quan trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội để kêu gọi mọi người gia nhập Hội và hăng hái giúp đỡ các chiến sỹ bị thương, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự. Ngày 17/11/1946, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tổ chức lễ xung phong “Mùa đông binh sỹ”, mở đầu cuộc vận động “Mùa đông binh sỹ” trong cả nước để giúp chiến sỹ trong mùa đông giá rét. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự buổi lễ và Người cởi chiếc áo đang mặc để tặng binh sỹ. Khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ vào ngày 19/12/1946, số người bị thương và hy sinh tăng lên. Đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn. Đảng và Nhà nước ta đã quyết định nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác Thương binh Liệt sĩ nhằm đảm bảo đời sống vật chất cũng như tinh thần của các gia đình chính sách trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến. Tháng 6/1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ - Thái Nguyên. Nội dung cuộc họp là thực hiện chỉ thị của Hồ Chủ Tịch chọn ngày kỷ niệm Thương binh Liệt sĩ và bảo vệ công tác Thương binh Liệt sĩ. Hội nghị đã nhất trí lấy ngày 27/7/1947 làm ngày Thương binh toàn quốc.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 7/1954, Đảng và Nhà nước ta càng quan tâm và giải quyết những vấn đề chiến sỹ, gia đình liệt sỹ cũng như công tác thương binh. Từ năm 1955, ngày 27/7 - Ngày Thương binh được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sỹ. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, theo Chỉ thị 223/CT-TW ngày 8/7/1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 1975, ngày 27/7 hằng năm chính thức trở thành Ngày Thương binh, Liệt sỹ của cả nước.

Tháng 7 sâu nặng nghĩa tình

Đoàn đại biểu tỉnh dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn (nguồn ảnh: baocaobang.vn

Nhớ về Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27/7) là nhớ về cội nguồn, thể hiện truyền thống Uống nước nhớ nguồn, Đền ơn đáp nghĩa của dân tộc Việt Nam. Với hiện tại, lòng tưởng nhớ cội nguồn luôn gắn liền ý thức trách nhiệm. Đó là sự giữ gìn, vun đắp, phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc; thể hiện đạo lý Đền ơn đáp nghĩa với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc bằng những việc làm thiết thực, qua đó nhằm phát huy tinh thần yêu nước, tinh thần cách mạng và niềm tin vào sự nghiệp cách mạng mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn, lãnh đạo.

Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh thăm hỏi, tặng quà cho ông Triệu Văn Đức, nhiễm chất độc hóa học, xóm Bản Sầm, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa (nguồn ảnh: baocaobang.vn)

  Những năm qua, xác định công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Cao Bằng đã nỗ lực thực hiện công tác Đền ơn đáp nghĩa như: Xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, thăm và tặng quà gia đình chính sách các dịp lễ, Tết; thực hiện tốt các chế độ, chính sách quy định, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng,... Thông qua đó nhằm động viên và phát huy truyền thống cách mạng trong công cuộc đổi mới đất nước, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Và trong những ngày này, để tưởng nhớ và tri ân các thế hệ cha anh đã cống hiến, hy sinh vì đất nước, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tổ chức nhiều đoàn đến thăm, tặng quà các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng.

Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Dương Mạc Kiên thăm hỏi, tặng quà và trao tiền phụng dưỡng của Văn phòng UBND tỉnh cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Vương thị Dói, tại tổ 10, thị trấn Hòa Thuận, huyện Quảng Hòa

Các hoạt động "đền ơn đáp nghĩa," chăm sóc người có công đã thật sự trở thành một phong trào rộng khắp trong các tầng lớp nhân dân, các tổ chức xã hội, các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước với nhiều hình thức tổ chức, nhiều việc làm cụ thể, thiết thực, hết sức phong phú, sáng tạo, trở thành nét đẹp văn hoá trong đời sống xã hội. Ngày 27/7 đã đi vào lịch sử đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là dịp giáo dục ý thức trách nhiệm, lòng biết ơn đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh, đối với những chiến sỹ đã không tiếc xương máu vì sự tồn vong của Tổ quốc, của dân tộc.

Dương Liễu

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1