Chỉ thị về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh cải cách hành chính trong cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Cao Bằng
Lượt xem: 3942

Ngày 23/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Xuân Ánh đã ký ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về tăng cường kỷ luật, kỷ cương và đẩy mạnh cải cách hành chính trong cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Cao Bằng.

Tổ Kiểm tra giám sát việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra giám sát tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ thị:

1. Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố

a) Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức về thực hiện kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, về văn hóa công vụ, đạo đức công vụ; Tăng cường phổ biến, quán triệt và chấp hành nghiêm Quy chế làm việc của UBND tỉnh và quy chế, quy định của cơ quan, đơn vị, tích cực đổi mới phương thức, lề lối làm việc. Thực hiện nghiêm túc, đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, không đùn đẩy, thoái thác, né tránh trách nhiệm, bỏ sót nhiệm vụ; chủ động tham mưu, giải quyết công việc, không trông chờ giao việc của cấp trên; Tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện các Quyết định của UBND tỉnh, đặc biệt là các Quyết định có thời hạn giải quyết. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, cấp dưới phải phục tùng, chấp hành nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp trên.

b) Triển khai thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, giải pháp về CCHC theo Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2011 của Chính phủ Ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030. Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 1929/KH-UBND ngày 27/7/2022 của UBND tỉnh về triển khai các giải pháp khắc phục hạn chế trong công tác CCHC tỉnh Cao Bằng năm 2022. Cụ thể hóa và thực hiện tốt các giải pháp để nâng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nâng cao Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành, địa phương (DDCI). Đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện Chính quyền điện tử hưởng tới Chính quyền số, tăng cường tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC, lấy kết quả công tác CCHC là một trong những tiêu chí để đánh giá, xếp loại người đứng đầu, đẩy mạnh việc thực hiện đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và các tổ chức cung cấp dịch vụ công, coi đó là thước đo hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

c) Người đứng đầu các cơ quan, địa phương, đơn vị phải chịu trách nhiệm cá nhân trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về toàn bộ công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc ủy nhiệm cho cấp phó, chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính, sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Khi được xin ý kiến phải trả lời đúng hạn, không vòng vo, phải đưa ra được nội dung quan điểm, chính kiến của ngành, địa phương, trả lời rõ "đồng ý" hay "không đồng ý" hoặc đề xuất phương án khác, nêu rõ lý do; Thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về tiếp công dân, tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo  của người dân, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, kỷ luật, kỷ cương hành chính theo thẩm quyền quản lý. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ, trong đó: xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm liên đới đối với vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý.

d) Rà soát, điều chỉnh và quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các phòng ban, đơn vị trực thuộc, đảm bảo không chồng chéo, không bỏ sót nhiệm vụ. Chấp hành nghiêm quy định về phân công, phân cấp quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

đ) Thường xuyên quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh. công bằng, đoàn kết, bảo vệ cán bộ đảm nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức thi đua hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị

2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động

a) Chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Nâng cao đạo đức công vụ, ý thức trách nhiệm, tinh thần phục vụ Nhân dân; thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao; tuân thủ nghiêm thứ bậc và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ; tập trung nghiên cứu, tham mưu giải quyết dứt điểm công việc, đảm bảo chất lượng và thời gian quy định.

 b) Thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ "Làm hết việc, không phải làm hết giờ làm việc”, nâng cao tính chủ động trong công việc, tích cực phối hợp đồng bộ chặt chẽ, hiệu quả, quyết tâm, quyết liệt, năng động, sáng tạo, không chùn bước trước khó khăn. Nỗ lực đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và thực thi nhiệm vụ trên tinh thần hết lòng, hết sức phục vụ, không gây khó khăn, phiền hà, kéo dài thời gian xử lý công việc của cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp.

3. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp đẩy mạnh CCHC; Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra CCHC, cải cách công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Căn cứ kết quả thanh tra, kiểm tra, phải có biện pháp xử lý hoặc để xuất cấp có thẩm quyền biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp vi phạm; định kỳ báo cáo kết quả với Chủ tịch UBND tỉnh.

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, đề xuất điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh; hướng dẫn cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện theo quy định.

c) Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị chấp hành nghiêm chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị này.

 4. Văn phòng UBND tỉnh

Tiếp tục theo dõi, cập nhật thường xuyên tình hình thực hiện nhiệm vụ do UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh giao trên Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh để kiểm tra, giám sát và đôn đốc kịp thời, làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị. Đối với các hồ sơ, văn bản của cơ quan, đơn vị tham mưu UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh mà không đảm bảo quy trình, quy chế, quy định, chưa đúng thẩm quyền, chất lượng chưa đạt yêu cầu, chưa đúng thời gian quy định, giao Văn phòng UBND tỉnh chủ động ban hành văn bản đề nghị, đôn đốc cơ quan, đơn vị hoàn thiện hồ sơ, thủ tục theo đúng quy trình, quy định.

5. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Cao Bằng và các phương tiện thông tin đại chúng

Phát huy vai trò thông tin tuyên truyền, kịp thời phát hiện các mô hình, điển hình để biểu dương, lan tỏa, cổ vũ điển hình tốt, cách làm hay tại các địa phương, đơn vị; góp ý, phê phán những hành vi vi phạm, tiêu cực trong thực hiện kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

6. Các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh chủ động, tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị này, có giải pháp triển khai thực hiện cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đoen vị trên tinh thần hết lòng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

D.L

Tin khác
1 2 3 4 5  ... 





Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1