Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đưa giai điệu then đến với bạn bè quốc tế
 “Then là hiện tượng con người tự thôi miên để đưa mình vào một trạng thái ảo giác đặc biệt và chỉ ở trạng thái này mới được coi là con người có khả năng giao tiếp với thần linh"

Then là một nghi lễ, phong tục truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc Tày được sử dụng trong những dịp cúng bái, chữa bệnh, cầu mưa, giải hạn, lễ cốm, cấp sắc, v.v... “Then là hiện tượng con người tự thôi miên để đưa mình vào một trạng thái ảo giác đặc biệt và chỉ ở trạng thái này mới được coi là con người có khả năng giao tiếp với thần linh. Tuy nhiên không phải ai cũng có khả năng này, mà chỉ một số ít người có "năng lực" khác thường nào đó mới có thể đảm nhận được chức năng giao tiếp với thần linh. Đó là những ông Then, bà Then làm nhân vật chính trong nghi lễ trình diễn Then”

Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh vào Danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Ảnh hanoimoi.com.vn)

Cho đến nay, chưa thấy có tài liệu nào nghiên cứu về thời điểm hình thành và ra đời của then. Qua các hội thảo khoa học, đa số các nhà nghiên cứu văn hóa thống nhất rằng: Then có nguồn gốc ở Cao Bằng vào khoảng thế kỷ XVI – XVII, thời Mạc Kính Cung. Tuy nhiên, người Tày chỉ biết rằng, then được truyền miệng đời này sang đời khác qua những câu văn vần và các văn tự. Theo thời gian, then trở thành một nghi thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, phản ánh hiện thực đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Tày. Đây là một di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của dân tộc Tày mang đậm tính nhân văn thể hiện qua ý nghĩa của từng câu hát với mong muốn cầu cho vạn vật được bình an, mùa màng bội thu, hướng con người tới những điều thiện và tránh xa những điều ác; không những thế, ca từ của then còn khuyên răn con cái phải hiều thảo với cha mẹ, con người phải biết thương yêu giúp đỡ lẫn nhau.   

“Bên ướt mẹ nằm, bên khô mẹ dành con ngủ.

Sá chi nỗi vất vả nuôi con.

Ngày đêm mẹ cầu mong con lớn...ơ ới...

Ngọt bùi sáng mẹ tiễn chân con

Bên đồi sim cuối làng mẹ đứng...á ơi...a ơi...

Lệ rơi mẹ chẳng nói nên lời

Chỉ thầm khấn đất trời phù hộ

Nhớ ngày nào mẹ tiễn cha con.

Ngày ấy con hãy còn nhỏ lắm

Chờ thư cha chẳng có tin về”.

(Trích lời: Bài Then Tặng Mẹ)

Qua nghiên cứu về nghi lễ then tại Tuyên Quang, các nhà nghiên cứu đã chia nghi lễ then thành hai dòng then, đó là nghi lễ then cổ và nghi lễ then mới. “Then cổ được một số ít nghệ nhân và những người làm nghề then lưu giữ, hành nghề, truyền dạy, đang có nguy cơ bị thất truyền. Dòng then thứ hai là then mới do những người am hiểu, yêu thích then đặt lời mới theo giai điệu then cổ. Then mới có nội dung ca ngợi cuộc sống, tình yêu đôi lứa, ca ngợi công ơn của Đảng, của Bác Hồ... then mới có số lượng người lưu truyền, sáng tác khá đông đảo, được phát triển ở hầu khắp các bản làng có người Tày sinh sống”. Theo đó, cần có sự phân biệt giữa then cổ và then mới, giữa then nghi lễ và then văn nghệ, nhất là không thể dựa vào then mới, then văn nghệ với các lời đã được cải biên để bảo tồn then cổ, then nghi lễ vì “Then Tày - Nùng - Thái xứng đáng được đề cử để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa cần được bảo vệ khẩn cấp vì những nghệ nhân nắm vững vốn văn hóa quý báu này không còn mấy người nữa”.

Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, loại hình nghệ thuật hát then chỉ có ở 5 tỉnh là Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang. Về cơ bản, hát then – tính tẩu ở mỗi vùng miền đều có cung, quãng giống nhau nhưng về lời hát thì có nhiều dị bản để phù hợp với đặc điểm, cũng như phong tục của từng địa phương. Để nhận biết rõ hơn về then, các nhà nghiên cứu chia then làm hai loại, đó là then quạt và then tính.

Then quạt

Không ai biết then quạt có từ bao giờ, chỉ biết là then quạt được hình thành từ rất lâu trong cộng đồng người Tày và do người Tày sáng tạo ra. Căn cứ vào một số bài then tính, người ta cho rằng then quạt ra đời sớm hơn then tính. Khi hát, thầy then vận một bộ đồ màu đỏ, từ quần, áo, khăn và mũ. Khi hát thầy then dùng quạt phe phẩy với giai điệu chầm chậm, ừ, ừ... đầu thầy then khi hát cũng lắc lư theo tiếng hát. Theo nghiên cứu, then quạt có bộ sách riêng, ra đời trước then tính, số người biết hát then quạt hiện nay tại Tuyên Quang còn lại rất ít.

Then tính

Then tính được hình thành và phát triển từ loại hình then quạt với những nhạc cụ điển hình như: Tính tẩu (đàn làm từ quả bầu), quả nhạc sóc (hính mạ - nhạc ngựa)... Khi ông then, bà then hành lễ hoặc hát then, lời then cất lên theo nhịp đàn, lúc nhanh, lúc chậm, giai điệu ới là, ới la...     

Từ hai loại then trên, các nhà nghiên cứu chia then theo nhóm các nội dung, như: nhóm then Kỳ yên (gồm: Then cầu yên, Then cầu chúc, Then chữa bệnh) và then Lễ hội (gồm: Then cầu mùa, Then vào nhà mới, Then cấp sắc, Then trong lễ cốm).  

Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên 2015 và Liên hoan nghệ thuật hát then, đàn tính toàn quốc lần thứ V tại tỉnh Tuyên Quang, Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức một hội thảo quốc tế mang tên: “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật hát then, đàn tính - di sản văn hóa dân tộc Tày, Nùng, Thái” với sự tham dự của các nhà nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế liên quan đến văn hóa, nghệ thuật, dân tộc... Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu đã công bố những công trình nghiên cứu về thực trạng then trong cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Thái và đề xuất một số giải pháp bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị hát then, đặc biệt là dòng then cổ trước những vấn đề về biến đổi văn hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Bên cạnh những nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước, các nhà nghiên cứu quốc tế cũng nêu lên những nghiên cứu và so sánh then với thể loại Mag-igal của người Malaysia (GS. TS Mohd Anis Md Nor); nghi lễ then và “lên đồng” ở Việt Nam (TS. Barley Norton Goldsmiths, Trường Đại học Luân Đôn). Theo đó, ngoài những điểm tương đồng như: người thể hiện là người trung gian tín ngưỡng, kết nối giữa Thần linh (hay Chúa) với Thầy Then (Thầy Then có sự hỗ trợ của Thầy Tào); biểu hiện qua hành động “thoát” của người kết nối tín ngưỡng trung gian trong quá trình diễn biến âm nhạc, hoặc: “trạng thái nhập hồn” (possession trance) và “trạng thái thoát hồn” (shamanic trance)... Đa số các nhà nghiên cứu đều đồng nhất quan điểm đây là những “di sản văn hóa phi vật thể” được hình thành trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, cần được bào tồn, giữ gìn và phát huy. Tuy nhiên, một số nghiên cứu của học giả quốc tế cũng đề cập đến vấn đề “sân khấu hóa” và “di sản hóa” trong việc thực hành tín ngưỡng và đặt ra một số câu hỏi về chức năng, ý nghĩa của việc biểu diễn âm nhạc trong hát then đang bị ảnh hưởng bởi sự quảng bá văn hóa và sự sân khấu hóa các nghi lễ tín ngưỡng và coi đó là một loại hình “di sản văn hóa phi vật thể".

Trong bối cảnh then đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO vinh danh di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, việc tổ chức hội thảo quốc tế về hát then và “đàn tính” là một trong những bước đi đúng của tỉnh Tuyên Quang, góp phần giới thiệu nét văn hóa truyền thống dân tộc đặc sắc của cả vùng Việt Bắc nói chung và của tỉnh Tuyên Quang nói riêng đến với bạn bè quốc tế. Nhằm tôn vinh giá trị của then như là nét văn hóa dân tộc đặc sắc của đồng bào Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, giới thiệu then đến với bạn bè quốc tế, trước hết nên tập trung làm tốt một số nội dung như sau:

Một là, tổ chức thu thập tài liệu, ghi hình hoặc thu âm đẻ tập hợp thành một bộ tài liệu có hệ thống về hát then, trong đó lưu trữ, số hóa các thể loại then cổ được lưu truyền dưới dạng văn tự; tổ chức dịch sang các thứ tiếng nước ngoài phục vụ cho việc quảng bá rộng rãi về di sản hát then.  

Hai là, có cơ chế, chính sách bảo tồn, phát huy giá trị then trong cộng đồng mỗi dân tộc. Theo đó, thường xuyên tổ chức các ngày hội văn hóa chuyên về hát then tại các địa phương nhưng tránh tình trạng “sân khấu hóa” về then để then giữ được giá trị nguyên gốc; thành lập các câu lạc bộ then để gìn giữ và phát huy giá trị về then.

Ba là, phối hợp với các cơ quan ngoại giao của ta ở nước ngoài trong các sự kiện tổ chức “ngày văn hóa” để lồng ghép, đưa hát then vào biểu diễn tại các sự kiện này.

Bốn là, tiếp tục tổ chức nhiều hội thảo khoa học quốc tế về then có mời các văn phòng đại diện thường trú báo chí nước ngoài tại Hà Nội đến đưa tin về nội dung sự kiện nhằm tạo hiệu ứng lan tỏa trong nghệ thuật quảng bá truyền thông đa chiều riêng đối với loại hình nghệ thuật này.

Sưu tầm

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang