Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Giải pháp mạnh để kích cầu du lịch
Các doanh nghiệp (DN) cho rằng còn rất nhiều giải pháp mà Nhà nước có thể sử dụng để chung tay cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch.

Khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020 (Ảnh: thoibaonganhang.vn)

Du lịch là một trong những ngành đang tìm cách bật lên mạnh mẽ sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát và nền kinh tế Việt Nam thiết lập trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên theo TS. Lê Xuân Nghĩa – nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, hiện nay các chương trình kích cầu du lịch phần lớn đều do chính DN thực hiện bằng các biện pháp đại hạ giá dịch vụ, như vậy cũng đồng nghĩa là DN chấp nhận “cắt xẻo” chính phần lợi nhuận vốn đã sụt giảm rất mạnh của mình.

Ông Vũ Thế Bình - Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng cho rằng, ngành này đặt mục tiêu sau 2 tháng sẽ khôi phục du lịch nội địa để sau đó bàn đến chuyện đưa khách quốc tế đến Việt Nam. Vì vậy sản phẩm trong chương trình được xây dựng hướng tới hấp dẫn du khách theo 2 dạng: giá giảm nhưng dịch vụ không thay đổi và giá không thay đổi nhưng tặng thêm dịch vụ. Đây là giai đoạn kích cầu, vì thế DN phải chấp nhận hy sinh, nhận thiệt hại về mình nhiều hơn. Hiện nay, mức giá đưa ra đã rất có lợi cho du khách nhưng chương trình kích cầu không thể kéo dài mãi mà sẽ tùy tình hình để thay đổi.

Ông Trần Trọng Kim - Chủ tịch hội đồng tư vấn Du lịch cũng lưu ý, nếu các DN giảm giá 25% hay giảm sâu hơn nữa mà không có khách thì cũng không giải quyết được bài toán tổng thể. Trong khi đó, việc bị ảnh hưởng sau dịch bệnh đang khiến DN khó khăn mọi bề nên để tăng chất lượng dịch vụ là điều khó. Vì vậy, các DN trong ngành du lịch đang rất cần các giải pháp kích cầu bằng chính sách của Nhà nước để phát triển du lịch nội địa.

Tổng cục Du lịch Việt Nam dự báo, từ nay đến cuối năm 2020, khách du lịch nội địa sẽ chiếm tới 95% tổng lượng khách trong năm 2020. Vì vậy phải làm sao để kích cầu du lịch nội địa, để du lịch nội địa bù đắp được cho việc sụt giảm nghiêm trọng lượng khách quốc tế. Các chuyên gia cho rằng cần giảm sâu hơn nữa các loại thuế, phí dịch vụ đi kèm để kích thích du lịch trong bối cảnh hiện nay.

Đơn cử như trong lĩnh vực hàng không, vừa qua Bộ Tài chính đã đề xuất phương án giảm 30% thuế bảo vệ môi trường nhiên liệu bay. Với phương án này, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay sẽ giảm 900 đồng/lít, từ mức 3.000 đồng xuống còn 2.100 đồng/lít. Tuy nhiên, mức giảm này so với mặt bằng chung của các nước khác vẫn còn thấp và theo đánh giá là chưa hỗ trợ thực sự mạnh mẽ cho ngành hàng không.

Hiện nay các DN hàng không đang đối mặt với nguy cơ phá sản cao do không bù đắp được những khoản chi phí lớn để duy trì hoạt động. Sự ngưng trệ của ngành này đã kéo theo tác động tiêu cực của các ngành kinh tế mũi nhọn, như thương mại, dịch vụ, du lịch… bởi vai trò quan trọng của ngành hàng không trong việc cung ứng các dịch vụ trung gian liên quan đến vận chuyển, trung chuyển hành khách và hàng hoá.

Ông Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội DN hàng không Việt Nam cho rằng, mức giảm hiện nay thực ra vẫn thấp so với một số nước trong khu vực. Một số nước trên thế giới đã sử dụng công cụ thuế, trong đó có thuế đối với nhiên liệu bay để hỗ trợ cho các DN trước dịch Covid-19 như Trung Quốc thực hiện miễn thuế nhập khẩu và thuế môi trường đối với nhiên liệu bay; Úc miễn thuế tiêu thụ nhiên liệu hàng không, phí dịch vụ hàng không nội địa và an ninh hàng không; Ấn Độ tạm thời dừng hầu hết các loại thuế trong ngành hàng không; Thái Lan giảm 96% thuế môi trường đối với nhiên liệu trong 7 tháng cho các đường bay nội địa.

Bên cạnh đó, các DN cũng cho rằng còn rất nhiều giải pháp khác mà Nhà nước có thể sử dụng để chung tay cùng tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Bởi đây là ngành tạo nhiều việc làm, tạo tác động lan toả cho nhiều ngành kinh tế khác. Ông Vũ Thế Bình kiến nghị, việc giãn thời gian nộp thuế, miễn thuế cho các DN du lịch đề nghị được áp dụng cho doanh thu quý III và quý IV/2020, vì trong 2 quý đầu năm các DN cơ bản không có doanh thu.

Về giá điện của các cơ sở lưu trú du lịch, đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành điện áp dụng tính theo giá điện sản xuất thay cho tính giá điện dịch vụ như hiện nay, đồng thời thời gian thay đổi cách tính giá điện như vậy sẽ tính cho hết năm 2020, thay vì chỉ trong các tháng 4, 5, 6 như quy định hiện hành. Bên cạnh đó, chỉ đạo các địa phương thống nhất chủ trương mở cửa các điểm tham quan du lịch và dịch vụ, có chính sách hỗ trợ khách du lịch như miễn, giảm vé tham quan…/.

Theo Tạp chí Thông tin đối ngoại
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang