Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Bộ Ngoại giao thông tin về đường lối đối ngoại với Trung Quốc sau Đại hội XIII
Chiều 4/2, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã trả lời một số câu hỏi về đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ Việt Nam sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như bình luận của Việt Nam trước những diễn biến gần đây tại Biển Đông.

Trả lời câu hỏi liên quan tới đường lối đối ngoại của Đảng và Chính phủ Việt Nam với Đảng và Chính phủ Trung Quốc sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, Đại hội đã diễn ra và kết thúc tốt đẹp. Đại hội lần này đã khẳng định Việt Nam kiên trì, kiên định đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; đẩy mạnh đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, tăng cường đan xen lợi ích.

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, mong muốn quan hệ Việt-Trung luôn phát triển lành mạnh, ổn định vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình và phát triển của khu vực và trên thế giới.

*Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam khi ngày 3/2 các bộ trưởng Anh và Nhật Bản ra thông cáo chung bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng, cũng như việc Anh dự kiến triển khai tàu sân bay tới khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cuối năm nay, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh: Việt Nam ủng hộ việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này.

*Trước câu hỏi về phản ứng của Việt Nam về công hàm hồi cuối tháng 1/2021 của Nhật Bản gửi Liên Hợp Quốc phản đối một công hàm của Trung Quốc về Biển Đông năm ngoái, bà Lê Thị Thu Hằng nêu rõ: “Tôi xin nhắc lại, lập trường của Việt Nam về các vấn đề liên quan đến Biển Đông là nhất quán và đã được thể hiện trong nhiều dịp khác nhau. Các dân tộc và cộng đồng quốc tế có lợi ích chung về việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông. Theo đó, việc tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, thiện chí, trách nhiệm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là thiết yếu”.

Việt Nam hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và chia sẻ quan điểm như đã nêu trong tuyên bố dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 36, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 và Thông cáo chung của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53, rằng Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.

Với tinh thần đó, cùng các nước ASEAN, Việt Nam mong rằng tất cả các nước, trong đó có các nước đối tác của ASEAN sẽ nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế.

“Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này”, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.

Theo Báo điện tử Chính phủ
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang