Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Đổi mới cơ chế kinh tế - việc khó khăn!
Chính những hạn chế về thể chế sẽ khiến nền kinh tế gặp phải thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội, cũng như thách thức do tâm lý chờ đợi. Nhưng cơ hội sẽ không bao giờ đợi chúng ta.

Theo đánh giá, về chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2015, Việt Nam xếp thứ 56/140 quốc gia xếp hạng, tăng 12 bậc so với 2014. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực ASEAN, Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar. Trong 12 chỉ số được dùng để đánh giá, Việt Nam đều xếp ở bậc rất thấp ở những chỉ số quan trọng. Chẳng hạn như thể chế xếp thứ 84/140, sẵn sàng về công nghệ xếp thứ 92/140, trình độ kinh doanh xếp thứ 100/140...

Áp lực cải cách

Hội nhập song hành với cạnh tranh và việc chịu thua trước bất cứ đối thủ nào, vào bất cứ lúc nào đều có thể xảy ra. Tại Diễn đàn “Các vấn đề đặt ra về đổi mới thể chế kinh tế của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế theo các Hiệp định mà Việt Nam đã ký kết” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam vừa tổ chức tại Hà Nội, các chuyên gia đều cho rằng, trước những thách thức đó, phải kiên quyết đổi mới tư duy phát triển kinh tế - xã hội.

Một lỗi hệ thống mà theo nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương PGS. TS. Lê Xuân Bá là do hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách chưa hoàn chỉnh và đồng bộ với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ; môi trường kinh doanh chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, lành mạnh; doanh nghiệp nhà nước chưa thể hiện được vai trò trên thực tế, doanh nghiệp tư nhân thì yếu kém, thiếu liên kết... Trong khi đó, nhà nước vẫn chưa thể hiện được vai trò, hiệu quả trong quản lý, điều hành... Do vậy, đổi mới thể chế mới có thể giúp Việt Nam mạnh hơn, cạnh tranh tốt hơn trong hội nhập.

TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam ví von, cách cư xử và trình độ phát triển của các khu vực sở hữu trong nền kinh tế đang tồn tại 3 "đỏ". Thứ nhất là doanh nghiệp nhà nước được ví như “thái tử đỏ" khi được nuông chiều song không mạnh, không hiệu quả. Thứ hai, doanh nghiệp tư nhân là “con đỏ" với các đặc điểm trẻ con, non yếu, nhiều khi bị bỏ rơi. Thứ ba là FDI được trải “thảm đỏ”, được nuông chiều, đóng vai trò lớn trong nền kinh tế".

Tuy nhiên, niềm hy vọng FDI đã không thể tạo ra chuỗi sản xuất để kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong khi đó, các thể chế liên kết kinh doanh lại chưa đủ, thiếu hiệu quả để có thể kết nối với hệ thống doanh nghiệp trong nước, dẫn đến việc hình thành "2 nền kinh tế trong 1 nền kinh tế".

Đó là những lý do mà TS. Lê Xuân Sang cho rằng, trong 4 động lực tăng trưởng của Việt Nam gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, nông nghiệp và doanh nghiệp FDI, chỉ có một động lực tăng trưởng đó là nhóm doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng thấp và theo chiều rộng của nhóm này đôi khi lại góp phần làm giảm năng lực cạnh tranh.

Việt Nam đã tham gia và hoàn tất đàm phán 12 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương. Cảnh báo về những thách thức hiện hữu, TS. Trịnh Minh Anh - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế lo ngại không chỉ là sức ép cạnh tranh và tác động xã hội; sức ép điều chỉnh hệ thống pháp luật; tư duy quản lý và năng lực quản lý. Chính những hạn chế về thể chế sẽ khiến nền kinh tế gặp phải thách thức về khả năng nắm bắt cơ hội, cũng như thách thức do tâm lý chờ đợi. Nhưng cơ hội sẽ không bao giờ đợi chúng ta.

Chấp nhận luật chơi và cách chơi

Lý giải cho thực tế trên, các chuyên gia kinh tế nhận định, có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất là cơ chế chính sách phát triển kinh tế xã hội chưa tạo động lực mạnh mẽ, không khuyến khích sản xuất, trái lại không ít trong số đó còn là lực cản của sự phát triển.

Hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi phải chấp nhận “luật chơi” và “cách chơi”. Tham gia các Hiệp định kinh tế tức là chấp nhận đổi mới thể chế phải là một khâu đột phá, gắn kết việc đổi mới thể chế trong nước với thể chế hội nhập một cách hài hòa, nhuần nhuyễn... Thực tế cho thấy môi trường kinh doanh vẫn chưa được cải thiện nhiều và do đó tự do hóa với bên ngoài chưa thực sự đi kèm với tự do hoá các nguồn lực bên trong. Không có hệ thống pháp luật phù hợp, không có môi trường kinh doanh thì không thể khai thác được lợi thế của các FTA.

Bên cạnh đó còn cần có bộ máy chuyên môn với chức năng nhiệm vụ rõ ràng thực thi việc theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu lực của pháp luật và thể chế. Thủ tục hành chính cũng phải được thể chế hóa và đòi hỏi thực thi nghiêm minh…

Những vấn đề trên nếu càng tồn lâu trong nền kinh tế, nguy cơ tụt hậu sâu hơn là điều không tránh khỏi. Việc cải cách thể chế kinh doanh phù hợp với cuộc chơi là tất yếu và không thể đảo ngược, nhưng không phải có thể thay đổi ngay được. Nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới, cơ cấu nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tiến bộ và hiện đại. Giải pháp mà không ít chuyên gia đưa ra là nên "bơi theo hướng mọi người cùng bơi" khi ta chưa có một giải pháp rõ ràng./.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang