Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Phán quyết của Tòa án Quốc tế về Biển Đông cần được thực thi nghiêm túc

Trước thông tin Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", ngư dân các tỉnh miền Trung mong rằng phán quyết đó phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh, thực chất.

Trước thông tin Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tuyên bố, Trung Quốc không có cơ sở pháp lý để đòi quyền lịch sử với các nguồn tài nguyên bên trong "đường lưỡi bò", ngư dân các tỉnh miền Trung mong rằng phán quyết đó phải được thực thi một cách nghiêm chỉnh, thực chất.

Thuyền trưởng Võ Minh Trí chỉ vào những vết đạn trên tàu và hy vọng những vụ hành hung trên sẽ chấm dứt. Ảnh: Lê Văn Chương

Tàu cá mang số BĐ 97556 TS của ngư dân Võ Minh Trí, ở huyện Hoài Hương, Bình Định cập bến, các ngư dân tranh thủ tu sửa lại ngư cụ để chuẩn bị mở phiên biển mới. Vừa làm việc, ngư dân vừa tập trung lắng nghe chương trình thời sự hằng ngày được phát qua máy Icom. Thông tin mà ngư dân đang hết sức quan tâm, đó là những bình luận xung quanh phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực tại La Hay (Hà Lan) tuyên bố về kết quả phiên xử kiện giữa Philippines và Trung Quốc. Và việc Trung Quốc có chấp hành quyết định của Tòa Trọng tài hay không?.

Các ngư dân cho biết, khi đi đánh lưới, bà con thỉnh thoảng theo dõi chương trình thời sự để nắm tình hình trong đất liền. Lúc đó thì có người nghe, có người chỉ lo làm việc. Nhưng trước thông tin quan trọng liên quan đến phán quyết của Tòa án Quốc tế về Biển Đông thì tất cả mọi ngư dân đều rất quan tâm. Vì từ nay Trung Quốc không còn cơ sở pháp lý gì để nói Biển Đông nằm trong “đường lưỡi bò” là của mình nữa. Bà con đi ra ngoài biên 10 (110 độ kinh Đông) thì không còn bị tàu tuần tra Trung Quốc vô cớ xua đuổi.

Thuyền trưởng Võ Minh Trí đi dọc mạn trái của tàu cá và chỉ vào những vết đạn còn dính trên thân tàu. Anh cho biết, trong chuyến biển trước, khi tàu chạy qua đảo Gạc Ma, quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc bắn, sau đó còn bắn đạn cao su vào ca bin tàu. Dấu vết để lại trên thân tàu là những vết lõm vào gỗ khoảng 1-2cm.

Tàu cá QNg 27642 TS của ngư dân xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi cập bến Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi. Con tàu này làm nghề câu bủa nên ngư dân đi đánh bắt rất xa bờ, trong đó có cả những vùng biển thuộc tuyến hàng hải quốc tế, tàu bè qua lại tự do. Các ngư dân cho biết, khi đi làm ăn thường bị Trung Quốc xua đuổi, chặn đường, nhưng bà con vẫn bám biển làm ăn chứ không bỏ ngư trường truyền thống của mình.

Có rất nhiều ngư dân nói về việc phải thực thi công lý trên Biển Đông. Nếu tàu Trung Quốc đâm chìm tàu ngư dân ta như vụ việc tàu cá của ngư dân Võ Văn Lựu vừa qua thì phải bồi thường chứ không thể bỏ qua được. Thuyền trưởng Trương Đình Đức, quê ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cũng là nạn nhân trước đó. Ông Đức kể lại câu chuyện kinh hoàng. Đó là vào khoảng 23 giờ, ngày 9-7-2015, tàu đang hành nghề tại tọa độ 16 độ 52 phút vĩ Bắc, 112 độ 33 phút kinh Đông, gần khu vực đảo Phú Lâm (quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam). Tàu tuần tra Trung Quốc đã xuất hiện từ phía đảo, áp đến và rượt đuổi tàu ngư dân. Thuyền trưởng bị đèn cao áp từ tàu tuần tra làm lóa mắt. Tất cả các ngư dân chui vào trong khoang đóng kín cửa và cho tàu chạy.

Tàu Trung Quốc rượt đuổi, nổ súng bắn thủng bồn dầu, sau đó lao thẳng đâm vào phía sau làm con tàu gỗ vỡ toác và chìm. Tất cả 11 ngư dân đu trên đống phao và chờ tàu bà con đến cứu nạn.

Ngày 12-7, Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ cái gọi là "đường chín đoạn" của Trung Quốc tại Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực kết luận rằng, không có căn cứ pháp lý nào để Trung Quốc đòi chủ quyền lịch sử, vượt quá các quyền mà Công ước về Luật Biển cung cấp, trong vùng biển thuộc phạm vi "đường chín đoạn".

Ngồi kể lại sự việc trên, các ngư dân trên tàu bị đâm chìm kết luận rằng, nếu luật pháp quốc tế không được thực thi nghiêm túc thì ngư dân sẽ còn khổ và còn nhiều con tàu khác bị Trung Quốc xâm hại vô cớ, nguy hiểm đến tính mạng của bà con.

Phía ngoài quần đảo Hoàng Sa khoảng 70 hải lý có một vùng rạn san hô ngầm rộng 6.448km2 có tên gọi là Mác Léc Phiêu. Vùng biển này được ví như một cao nguyên trên Biển Đông với nhiều độ sâu khác nhau, có nơi chỉ vài mét, vài trăm mét và nằm chìm hoàn toàn dưới biển. Nơi đây là vựa tôm, cá rất phong phú và nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế.

Bao nhiêu năm qua, đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Ông Nguyễn Trung, ngư dân ở Quảng Ngãi cho biết, hồi trước chỉ có mình ngư dân Việt Nam ra đây. Tuy nhiên, trong thời gian khoảng vài năm trở lại đây, tàu tuần tra Trung Quốc đã xuất hiện và thông báo đây là đảo Trung Sa thuộc lãnh thổ của Trung Quốc. Theo các ngư dân, nếu Tòa Trọng tài Thường trực La Hay đã phán quyết thì bà con sẽ đi lại tự do ở bãi ngầm Mác Léc Phiêu mà không sợ thế lực nào ngăn cản.

 

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang