Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Việt Nam-Ấn Độ: Tìm kiếm cơ hội xúc tiến đầu tư, kinh doanh hậu Covid-19
Ngày 28/4, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD tổ chức Hội thảo trực tuyến "Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội và thách thức hậu Covid-19".   

Các đại biểu tại Hội thảo trực tuyến nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kinh doanh Việt Nam-Ấn Độ hậu Covid-19. 

Hội thảo "Việt Nam-Ấn Độ: Cơ hội và thách thức hậu Covid-19" là cơ hội để hai nước trao đổi những tác động của đại dịch Covid-19 và các thách thức mà doanh nghiệp hai bên phải đối mặt trong thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch, cũng như tìm hiểu tiềm năng và cơ hội xúc tiến kinh doanh song phương thời kỳ hậu khủng hoảng.

Tham dự hội thảo có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD D.K Agarwal, cùng một số quan chức và đại diện các cơ quan hữu quan.

Phát biểu tại hội thảo, ông Ajay Poddar, Chủ tịch Ủy ban ASEAN, châu Đại Dương và Đông Á thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp PHD nhấn mạnh thương mại toàn cầu là một "nạn nhân" chính của đại dịch Covid-19. Về ngắn hạn, nhu cầu suy giảm và suy thoái sẽ tác động mạnh đến hoạt động thương mại và xuất khẩu của thế giới, khiến hàng hóa và công nghệ trở nên đắt đỏ. Chính điều đó sẽ khiến Ấn Độ đẩy mạnh hợp tác với các nước gần gũi với mình hơn.

Là hai nước có tình hữu nghị nồng ấm và có nhiều lĩnh vực bổ sung cho nhau, Ấn Độ và Việt Nam có thể triển khai hợp tác hiệu quả. Hiện các công ty lớn của Ấn Độ đã và đang đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực năng lượng, thăm dò khoáng sản, sản xuất đường, công nghệ thông tin… Thời gian tới, chắc chắn thương mại song phương và các mối quan hệ kinh tế giữa hai nước sẽ còn phát triển hơn nữa.

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tổn thất cho nền kinh tế nhưng cũng tạo ra cơ hội to lớn cho các nước nếu sớm kiểm soát được dịch bệnh. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đại dịch Covid-19 đã gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 4.000 tỷ USD.

Việt Nam và Ấn Độ cần nhanh chóng kiểm soát được dịch bệnh và tận dụng tốt sự dịch chuyển về dòng vốn đầu tư giữa các nước trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam đã chứng minh được năng lực và tính kỷ luật trong xử lý dịch bệnh, sẽ chứng minh được năng lực và tính kỷ luật trong phát triển kinh tế.

Chính phủ Việt Nam đã phản ứng với đại dịch Covid-19 rất nhanh và quyết liệt, thông qua việc sớm đóng cửa biên, thực hiện giãn cách xã hội, sự minh bạch trong xử lý khủng hoảng và hỗ trợ quốc tế. Các nước đánh giá cao tinh thần hỗ trợ quốc tế của Việt Nam, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump Twitter đã bày tỏ “cảm ơn những người bạn Việt Nam” sau khi Mỹ nhận được 450.000 bộ quần áo bảo hộ được sản xuất tại Việt Nam.

Để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của dịch bệnh đến người dân và hỗ trợ phát triển kinh tế, Việt Nam đã nhanh chóng công bố các gói hỗ trợ kinh tế trị giá trị 25 tỷ USD, khoảng 10% GDP để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi Covid-19, hỗ trợ từ hệ thống ngân hàng, hỗ trợ chính sách tài khóa, giãn - hoãn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp.

Trong vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, ngay sau khi nhận được đề nghị của Bộ Công Thương Ấn Độ, Việt Nam đã tích cực trao đổi với các nước ASEAN về đề xuất sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ điện tử của Ấn Độ, qua đó thúc đẩy kinh tế số.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid 19, các nước đang phong tỏa, hạn chế đi lại, Đại sứ đánh giá cao và ủng hộ các sáng kiến tổ chức giao thương trực tuyến, các buổi gặp gỡ người bán – người mua và Triển lãm trực tuyến (Digital Exhibition), đồng thời đưa ra một số khuyến nghị để thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Ấn Độ, chỉ ra một số ngành và lĩnh vực có nhiều cơ hội hợp tác đầu tư như dệt may, năng lượng, khoa học công nghệ, thiết bị điện tử…

Đại sứ tin tưởng quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước với nền tảng quan hệ chính trị ngoại giao tốt đẹp sẽ phát triển mạnh mẽ sau đại dịch.

Cũng tại buổi hội thảo, các đại diện và doanh nghiệp hai bên đã trao đổi các thông tin để kết nối, thăm dò những cơ hội. Các đại biểu bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan hữu quan của Việt Nam và Ấn Độ, mở cửa thị trường cho mặt hàng nông sản, dỡ bỏ các rào cản thương mại, đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện thúc đẩy kinh doanh và đầu tư song phương./.

Nguồn: Báo điện tử Thế giới & Việt Nam

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang