Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Ký ức những ngày cắm mốc trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc
Cách đây đúng 10 năm, ngày 31/12/2008 Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc trên đất liền, cột mốc 836(2) nằm dưới chân thác Bản Giốc hoàn thành vào những ngày cuối năm của năm 2008 đã đi vào lịch sử như một nhân chứng cho chặng đường khó khăn gian khổ đấu tranh cả trên bàn đàm phán và trên thực địa. Trong ký ức của nhiều người vẫn còn nguyên vẹn cảm xúc thiêng liêng, tự hào. Với vai trò là Trưởng nhóm phân giới cắm mốc (PGCM) số 8 của tỉnh Cao Bằng, Đại tá Lê Văn Triển, nguyên Chánh văn phòng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng Cao Bằng coi đây là một kỷ niệm khó quên và là một dấu son trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Ký ức những ngày cắm mốc trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc Ký ức những ngày cắm mốc trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc



Đại tá Lê Văn Triển đang cùng ông Nông Văn Hưng, Phó giám đốc Sở Ngoại vụ ôn lai kỷ niệm một thời tham gia Phân giới cắm mốc trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc

Cao Bằng có đường biên giới với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây - Trung Quốc dài trên 333km, trong đó nhóm PGCM số 8 được giao phân giới, cắm mốc từ cột mốc 666 đến cột mốc 820 với chiều dài gần 127km thuộc quản lý của 7 đồn biên phòng, nằm trên địa bàn 17 xã biên giới của 3 huyện là Hà Quảng, Trà Lĩnh, Trùng Khánh. Đây cũng là đoạn biên giới có tới 34 điểm C trên tổng số 164 điểm C của toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tức là tính theo độ khó khăn, nhạy cảm, phức tạp mà hai bên còn nhiều ý kiến bất đồng cả trên bàn đàm phán lẫn trên thực địa thì nhóm PGCM số 8 nằm trên địa bàn "xương sẩu" nhất theo lời Đại tá Lên Văn Triển. Trong thực tế, theo ông Triển, công tác phân giới cắm mốc trên thực địa được triển khai từ năm 2001, nhưng trong suốt 3 năm đầu tiên, công tác PGCM trên thực địa hầu như tiến triển chậm, thậm chí như năm 2003 nhóm PGCM số 8 hầu như dừng việc triển khai do còn nhiều bất đồng với phía Trung Quốc và cũng là thực hiện chỉ thị của cấp trên "làm đến đâu chắc đến đấy". Cuối năm 2003, khi đang là đồn phó phụ trách quân sự Đồn biên phòng Cốc Pàng, thiếu tá Lê Văn Triển được trên giao nhiệm vụ làm Trưởng nhóm PGCM số 8, nhận nhiệm vụ hoàn toàn mới mẻ, thiếu tá Lê Văn Triển không tránh khỏi những khó khăn, bỡ ngỡ. Bởi theo ông thì phía Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm PGCM với nhiều nước trên thế giới, trong khi phía Việt Nam chưa hề triển khai công tác PGCM, Trung ương lúc bấy giờ cũng tổ chức các lớp tập huấn nhưng đa phần là lý thuyết, hồ sơ, giấy tờ. Khi bắt tay vào nghiên cứu Hiệp ước, các bản đồ đính kèm và so sánh trên thực địa, ông nhận thấy có nhiều sự khác biệt, trong khi địa hình đi lại khó khăn, dân cư sinh sống trên vùng biên giới chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Được sự chỉ đạo, hướng dẫn của Ban chỉ đạo PGCM Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, và Ban chỉ đạo PGCM tỉnh đã kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, ngoại giao và vận động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Những cán bộ, chiến sĩ làm công tác PGCM cũng luôn nêu cao tinh thần, xác định đây là nhiệm vụ chính trị lịch sử được đảng, nhà nước và nhân dân giao cho. Bản thân ông Triển cùng anh em trong nhóm không thể đếm được số lần đến từng vị trí đặt cột mốc để nghiên cứu, so sánh giữa bản đồ với thực địa. Qua thực tế ông nhận thấy nếu thực hiện cắm lần lượt các mốc theo thứ tự đúng phương châm của cấp trên "làm đến đâu chắc đến đâu chắc đến đấy" chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn, kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ chung, nhóm của ông mạnh dạn đề xuất lên cấp trên phương châm "dễ làm trước, khó làm sau", có nghĩa là ta thống nhất với phía bạn khu vực mốc giới nào đã rõ ràng, ít bất đồng, tranh chấp thì thực hiện cắm mốc trước, khu vực nào còn bất đồng, nhạy cảm thì tiến hành đàm phán, cắm mốc sau. Để đề xuất ý tưởng được coi là "táo bạo" này, ông và anh em lãnh đạo trong nhóm đã  nhiều đêm mất ngủ, rất may là cấp trên đã chấp nhận đề xuất này, bởi vì trên nhận thấy đây là một trong những nút thắt chính làm chậm quá trình PGCM và đề xuất của nhóm PGCM số 8 là kinh nghiệm thực tiễn được đúc kết trong cả một quá trình dài mà nhóm PGCM đã trải qua. Phía Trung Quốc đã chấp nhận ý kiến này và bắt đầu từ giữa năm 2004 trở đi công tác PGCM trên toàn tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc bắt đầu được đẩy nhanh.

Giờ đây đã 10 năm trôi qua nhưng Đại tá Lê Văn Triển vẫn nhớ rõ đặc điểm từng vị trí đâu là cột mốc phụ, đâu là cột mốc đại, mốc đôi, mốc đơn của 154 cột mốc mà nhóm PGCM số 8 của ông đã thực hiện. Với ông, hành trình PGCM như vừa mới trải qua ngày hôm qua. Những cột mốc như 666, 689, 696, 720, 734, 735, 790... đã luôn khắc sâu trong tâm trí ông và những cán bộ chiến sĩ trong nhóm về từng sự kiện gắn với từng cột mốc. Tác nghiệp ở địa bàn biên giới, lực lượng cắm mốc thường xuyên phải đối mặt với sự khắc nghiệt của thời tiết, khi nắng cháy, sương sa, khi gặp trận mưa rừng xối xả, những cột mốc như: mốc 666 ở xã Sóc Hà, Hà Quảng không có đường đi, nhóm phải mở đường phát từng bụi cây, đặt từng hòn đá, mỗi lần tác nghiệp phải đi bộ từ sáng sớm đến quá trưa rồi làm việc đến chiều tối và trở về trong ngày; mốc 689 nằm ở độ cao trên 1000m; thi công mốc 790 trên đỉnh núi cao ta phải gùi từng lít nước, từng hòn đá, hay khi cắm mốc 720 ta phải mượn đường của phía nước bạn Trung Quốc để thi công. Có những ngày mùa đông buốt giá hay những trưa hè oi ả, người lúc nào cũng ướt đẫm mồ hôi nhưng khát khô cả cổ họng vì thiếu nước. Rồi những khi đối mặt trước những dốc đá hiểm trở của vùng Lục Khu Hà Quảng với những địa danh như Kéo Yên, Nặm Rằng, Cáy Tắc, Lũng Nặm, Vân An.., ngước mắt lên phía trên vẫn chỉ là những vách đá tai mèo dựng đứng, nhìn xuống dưới là vực sâu thăm thẳm, những mỏm đá nhọn hoắt như đang chờ chực sẵn để nuốt chửng những ai lỡ chân bất cứ lúc nào.


Đại tá Lê Văn Triên đang giới thiệu mô hình trang trại gia đình tại làng Nà Mạ, xã Trường Hà huyện Hà Quảng

Tiếp chuyện tôi tại trang trại gia đình ở làng Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, Đại tá Lê Văn Triển ôn lại những câu chuyện về phân giới, cắm mốc một cách say sưa, đôi mắt luôn ánh lên niềm tự hào. Ông chia sẻ thêm: “Khi nhận nhiệm vụ làm Trưởng nhóm phân giới cắm mốc số 8, luôn nhận được sự động viên, khích lệ từ cấp trên, người thân, đồng đội; bản thân luôn thấy được trách nhiệm và vinh dự, vì mỗi cột mốc biên giới được hoàn thành sẽ góp phần khẳng định chủ quyền biên giới lãnh thổ quốc gia. Tôi cùng đồng đội luôn xác định sẽ vượt qua những khó khăn, thử thách, muốn vậy đòi hỏi bản thân phải thật sự có bản lĩnh vững vàng, luôn phải nghiên cứu, suy nghĩ thấu đáo, cẩn trọng với từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc để hoàn thành nhiệm vụ". Ông chia sẻ thêm: " Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc hoàn thành là thành quả của sự lãnh đạo thống nhất từ cấp cao nhất đến từng người dân sinh sống ở vùng biên cương tổ quốc, riêng với tỉnh Cao Bằng, bên cạnh sự chỉ đạo, hỗ trợ của các Bộ, nghành Trung ương như Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng..sự chỉ đạo kịp thời, toàn diện, quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, Ủy ban nhân dân tỉnh mà trực tiếp là Ban chỉ đạo phân giới cắm mốc tỉnh đã huy động được cả hệ thống chính trị cơ sở tham gia; công tác tuyên truyền thực hiện tốt làm cho nhân dân, đặc biệt là nhân dân khu vực biên giới ủng hộ, tất cả tạo nên một quyết tâm chính trị rất lớn để hoàn thành công tác PGCM".


Với Đại tá Lê Văn triển, tham gia Phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc là một mốc son trong cuộc đời binh nghiệp

Ông cho rằng mỗi một cột mốc quốc giới được hoàn thành là thành quả của cả một quá trình lao động hết sức khó khăn, gian khổ, “đổ mồ hôi, sôi nước mắt”, thậm chí có cả máu của cán bộ chiến sĩ đã đổ ra vì cột mốc chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc. Đối với những người như Đại tá Lê văn Triển, mỗi khi nhắc đến câu chuyện cắm mốc biên giới đất liền Việt - Trung, trong ông vẫn luôn nguyên vẹn cảm xúc vinh dự, tự hào.

Hoài Thương


ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang