Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Kỷ vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế
Thời gian qua, bạn bè quốc tế đã trao tặng nhiều hiện vật quý hiếm về Bác cho Bảo tàng Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), những hiện vật đó lần đầu tiên được Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày trong chuyên đề “Hồ Chí Minh - Những nét phác họa chân dung” cho thấy nhân cách cao đẹp, sự giản dị, thân thiện, gần gũi của Người cũng như lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu.

1. Trang sổ lương của anh Văn Ba. 2. Bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh. 3. Mũ len của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Pierre Biquard. (Ảnh: Nguyên Thanh)

Trang sổ lương của “anh Văn Ba”

Đây là một trong những trang sổ lương của Nguyễn Tất Thành (tên của Bác hồi trẻ) được sao lại từ cuốn sổ lương của tàu Amiral Latouche Tréville do Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm tại Trung tâm lưu trữ hải ngoại tại Aixen Provence, Pháp. Trên tài liệu này có ghi rõ tên Văn Ba (tên của Bác khi làm việc trên tàu) và tên 2 người Việt Nam khác là Lê Quang Chi và Nguyễn Văn Trị cũng làm công trên tàu từ tháng 6-1911 với mức lương là 45 franc Pháp/tháng, trong khi đó, những phụ bếp người Pháp cùng làm việc như anh thì hưởng lương nhiều gấp 3 lần. Làm việc trên tàu, Văn Ba được giao nhặt rau, vác khoai, rửa nồi, cào lò, xúc than... Sau khi trả tiền ăn, tiền nộp cho cai bếp, góp vào quỹ bảo hiểm cho riêng thủy thủ người Pháp, thực tế, Văn Ba chỉ còn nhận được 10 franc. Sau 2 tháng 27 ngày làm việc trên tàu, tổng số tiền anh Văn Ba nhận được là 124,5 franc. Tuy phải làm nhiều công việc nặng nhọc, nhưng mỗi khi được nghỉ, Văn Ba lại tranh thủ đọc và viết tiếng Pháp với sự giúp đỡ của những thủy thủ Pháp trên tàu.

Bức “Chân dung ánh sáng” năm 1946

Bức “Chân dung ánh sáng” năm 1946 do nhiếp ảnh gia nổi tiếng người Pháp Laure Albin Guilliot chụp nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Paris thực hiện chuyến thăm Cộng hòa Pháp với tư cách là thượng khách theo lời mời của Chính phủ Pháp, ngày 31-5-1946. Trong bối cảnh thực dân Pháp đang âm mưu xâm lược Việt Nam một lần nữa, tách Nam bộ ra khỏi Tổ quốc Việt Nam, Người đã đến Pháp với một quyết tâm cao độ giữ vững nền độc lập dân tộc mới vừa giành được và thiện chí vì tương lai bình đẳng, tốt đẹp trong quan hệ Việt - Pháp. Suốt 4 tháng ở Pháp, Người tiến hành vận động hành lang, tăng cường các cuộc gặp gỡ tiếp xúc để tranh thủ sự ủng hộ của kiều bào, nhân dân Pháp và bạn bè quốc tế.

Bức ảnh đã nắm bắt được thần thái của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo nhiếp ảnh gia Laure Albin Guilliot: “Đó là một cặp mắt rất tinh anh và hiền hậu, nét mặt hiền lành nhưng có vẻ kiên quyết, một bộ râu đen làm cho diện mạo của cụ thêm vẻ Á Đông. Cụ mặc một bộ quân phục, không trang sức gì cả. Giọng nói rõ ràng, minh bạch nhưng không chau chuốt, không làm kiểu cách. Cụ vững vàng nâng trên vai cả vận mệnh một dân tộc mà cụ là đại biểu những đức tính đặc biệt của dân tộc đó”. Sau đó, bức ảnh được in thành nhiều bản để Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ký tặng kiều bào và khách mời trong các cuộc tiếp xúc ngoại giao.

Bức tượng đặc biệt ở nhà tù Côn Đảo

Một trong số những hiện vật được quan tâm là bức tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nhà tù Côn Đảo, được các chiến sĩ cộng sản bí mật cất giấu, vượt qua sự kiểm soát gắt gao của chính quyền Pháp. Bức tượng trở thành một trong những nguồn động viên tinh thần lớn lao của các chiến sĩ cộng sản ở chốn lao ngục. Thời điểm đó, vào dịp tổ chức kết nạp Đảng, sinh hoạt chi bộ, các chiến sĩ thường đặt bức tượng với tinh thần kính trọng, trang nghiêm. Tuy nhiên, sau đó, bức tượng bị phát hiện và giám ngục Paul Atoine Miniconi (người Pháp) thu giữ, đem về Pháp. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được giám ngục trân trọng gìn giữ trong gia đình. Trước khi mất, ông đã để lại bức tượng cho người con trai Paul Miniconi - người đã từng sống ở nơi làm việc của cha mình tại Côn Đảo vào thế kỷ trước.

Tháng 12-2019, ông Paul Miniconi cùng với nhà sử học Pháp Frank Senateur đã tặng bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp. Ông Thiệp đã bàn giao bức tượng này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản lưu giữ.

Chiếc mũ len của Pierre Biquard

Chiếc mũ len của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng ông Pierre Biquard vào ngày 2-1-1969, khi ông cùng đoàn Phong trào hòa bình Pháp thăm Việt Nam. Câu chuyện về chiếc mũ len là biểu tượng cho tấm lòng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bạn bè quốc tế và bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ông Pierre Biquard (1901-1993) là giáo sư vật lý người Pháp, đồng thời là một chiến sĩ đấu tranh vì hòa bình, từng là Ủy viên Hội đồng toàn quốc Phong trào hòa bình Pháp, Ủy viên Hội đồng hòa bình thế giới, Tổng Thư ký Liên đoàn Thế giới, người có nhiều hoạt động phản đối chiến tranh của đế quốc Mỹ tại Việt Nam, nhất là việc đế quốc Mỹ sử dụng vũ khí hóa học.

Ngày 2-1-1969, đoàn Phong trào hòa bình Pháp gồm 4 thành viên, trong đó có ông Pierre Biquard đã đến thăm Việt Nam, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tại Phủ Chủ tịch. Thời điểm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 79 tuổi và phải hạn chế các cuộc tiếp đón. Khi chia tay đoàn, thấy ông Pierre Biquard không có mũ, trong khi thời tiết lúc đó rất lạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy chiếc mũ len của Người đưa cho ông và nói: “Anh hãy đội mũ vào, bên ngoài rất lạnh”.

Suốt 47 năm qua, chiếc mũ len được giữ gìn và nâng niu trong gia đình Biquard. Bà Claire Biquard, con gái lớn của ông Pierre Biquard chia sẻ: “Bố tôi đã rất tự hào về lần gặp mặt Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc mũ đã trở thành một phần quan trọng trong di sản chung của gia đình chúng tôi. Gia đình tôi mong muốn đưa chiếc mũ về đúng vị trí của nó ở Bảo tàng Hồ Chí Minh, ở đất nước các bạn”.

Câu chuyện về chiếc mũ len là minh chứng sâu sắc cho lòng ngưỡng mộ của những người yêu chuộng hòa bình Pháp với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chiếc mũ như cầu nối hữu nghị giữa người dân Pháp - Việt./.

Theo bienphong.com.vn

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang