Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Góp phần phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa nhân dân Việt Nam – Ma-rốc
Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc sẽ có nhiệm vụ quan trọng, góp phần cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai tốt đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra, đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Ma-rốc.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Ma-rốc sẽ ngày càng bền chặt và phát triển. (Ảnh: Tuấn Việt)

Ngày 13/12, tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc. Đại hội đã ra mắt Ban chấp hành Hội và nhất trí bầu ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, giữ chức Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I (2021 – 2026).

Tại Đại hội thành lập Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc, các đại biểu đã cùng trao đổi, xác định, nhất quán phương hướng, nội dung hoạt động của Hội trong khóa I nhiệm kỳ 2021 – 2026. Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Hội sẽ phối hợp với Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Ma-rốc, các cơ quan hữu quan, các bộ, ngành, đơn vị, các tổ chức của Việt Nam và Hội hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam để thực hiện chương trình hoạt động.

Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc sẽ có nhiệm vụ quan trọng, góp phần cùng Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam triển khai tốt đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đề ra là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại; góp phần “giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao vị thế và uy tín của đất nước”; đóng góp vào việc phát triển mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước.

Về công tác phát triển Hội, khuyến khích và hỗ trợ các địa phương thành lập Hội; tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa Hội với các cơ quan, đoàn thể, cơ sở, địa phương để hoạt động Hội đạt được hiệu quả thiết thực; Phát triển hội viên là các doanh nghiệp có quan hệ hợp tác hoặc mong muốn hợp tác với châu Phi; Xây dựng đội ngũ hội viên nòng cốt có nhiệt huyết, điều kiện và năng lực để tổ chức, triển khai các hoạt động của Hội. Đặc biệt, mời các chuyên gia, nhân sỹ, các nhà hoạt động trên các lĩnh vực tham gia công tác Hội.

Hội sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong việc giữ mối liên hệ và trao đổi thông tin thường xuyên với Hội hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam, Đại sứ quán Ma-rốc tại Việt Nam. Đặc biệt, tranh thủ mở rộng quan hệ với các tổ chức, cá nhân, các nhà hoạt động có uy tín của Ma-rốc để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động của Hội.

Ngoài ra, Hội cũng sẽ đẩy mạnh công tác giao lưu hữu nghị giữa hai nước thông qua việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, kinh tế, giáo dục nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn của hai nước. Thường xuyên tổ chức các chuyến thăm và tìm hiểu kinh tế, xã hội địa phương. Hội sẽ làm cầu nối cho các địa phương, doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, trường đại học… của Việt Nam và Ma-rốc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm phát triển; thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác, đầu tư, kinh doanh… trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm trên cơ sở cùng có lợi.

Các đại biểu tham dự Đại hội cùng Ban chấp hành Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I. (Ảnh: Tuấn Việt)

Phát biểu tại Đại hội, bà Nguyễn Phương Nga, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam bày tỏ tin tưởng quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam – Ma-rốc sẽ ngày càng bền chặt và phát triển hơn thông qua hoạt động của Hội. "Việc Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc được thành lập và đi vào hoạt động là một bước phát triển mới trong quan hệ hữu nghị, hợp tác và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Ma-rốc. Hội sẽ là cầu nối thúc đẩy các hoạt động giao lưu hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, thương mại giữa nhân dân hai nước" – Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng đồng thời nêu rõ Hội cần xây dựng chương trình hành động và kế hoạch hoạt động trong nhiệm kỳ, trong đó, chú trọng công tác xây dựng cơ chế phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức đã có quan hệ và kinh nghiệm hoạt động với Ma-rốc như: Nhóm Nghị sỹ Hữu nghị, Viện Nghiên cứu Trung Đông – Châu Phi và Hội Cựu Chiến binh Việt Nam...

Theo bà Nguyễn Phương Nga, điểm thuận lợi của Hội là đã có đối tác là Hội Hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam với Chủ tịch và các hội viên yêu quý Việt Nam, nhiệt tình, tâm huyết, mong muốn góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước. Do đó, sau Đại hội, Hội cần nhanh chóng thiết lập quan hệ, sử dụng công nghệ thông tin để giữ mối liên hệ mật thiết, thường xuyên trao đổi thông tin, kinh nghiệm để cùng nhau phối hợp triển khai các hoạt động giao lưu nhân dân phù hợp với tình hình thực tiễn và khả năng có thể. Tích cực hợp tác với hai Đại sứ quán Việt Nam ở Ma-rốc và Ma-rốc tại Việt Nam; Chủ động nghiên cứu, linh hoạt và sáng tạo trong các hình thức hoạt động, gắn hoạt động giao lưu hữu nghị với hoạt động xúc tiến hợp tác kinh tế - thương mại và với cộng đồng người Việt tại Ma-rốc... Thêm vào đó, cần chú trọng công tác xây dựng và phát triển tổ chức, mời đại diện các tỉnh, thành phố Việt Nam đã ký kết hợp tác hữu nghị với Ma-rốc tham gia các hoạt động Hội; cùng nhau tìm các giải pháp để nhằm thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa các địa phương của hai nước.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Nguyễn Phương Nga tin tưởng Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc sẽ triển khai nhiều hoạt động có ý nghĩa, góp phần vào việc tăng cường sự giao lưu hiểu biết giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Ma-rốc nói riêng và nhân dân các nước châu Phi nói chung. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ phối hợp và hỗ trợ những hoạt động của Hội để nâng cao hiệu quả hoạt động giao lưu giữa nhân dân hai nước.

Phát biểu tại Đại hội, Đại sứ Ma-rốc tại Việt Nam Jamale Chouaibi cho biết hợp tác giữa Ma-rốc và Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, cùng chia sẻ một di sản lịch sử phong phú, thể hiện ở những giá trị chung, đặt nền móng vững chắc cho một tương lai thịnh vượng giữa hai nước, vượt qua địa lý và rào cản văn hóa. Khẳng định hai nước sẽ tiếp tục phối hợp hơn nữa trong tương lai, Đại sứ Jamale Chouaibi nêu rõ: "Ma-rốc và Việt Nam chia sẻ nhiều điểm tương đồng về lợi ích hợp tác và tiếp tục phối hợp hơn nữa trong tương lai. Cụ thể là vị trí địa chiến lược lần lượt là cửa ngõ vào Châu Phi, Châu Âu và Đông Nam Á; ổn định chính trị; các nền kinh tế mới nổi năng động; khả năng phục hồi kinh tế bền vững bất chấp đại dịch và các chính sách đa dạng hóa các đối tác thương mại. Bên cạnh đó, hai bên còn có ý chí chính trị mạnh mẽ để tăng cường hơn nữa và mở rộng quan hệ đối tác song phương nhằm bao trùm nhiều lĩnh vực". Đại sứ Jamale Chouaibi cũng khẳng định quyết tâm của Đại sứ quán trong việc hỗ trợ Hội hữu nghị Việt Nam – Ma-rốc bằng mọi cách có thể để xây dựng mối quan hệ đối tác vững chắc với Hội hữu nghị Ma-rốc – Việt Nam.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Chủ tịch Hội hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Ma-rốc khóa I phát biểu bày tỏ hy vọng và tin tưởng ngoài sự cố gắng và nỗ lực của từng thành viên, Hội cũng sẽ nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các cơ quan hữu quan, của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đại sứ quán hai nước để Hội có thể hoàn thành tốt các phương hướng, nhiệm vụ mà Hội đã đề ra, góp phần vun đắp, phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Ma-rốc, phục vụ lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần gìn giữ hoà bình hợp tác hữu nghị và phát triển trong khu vực và thế giới./.

Theo dangcongsan.vn
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang