Đoàn chuyên gia Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO làm việc với UBND tỉnh
26/05/2022
Ngày 25/5, Đoàn chuyên gia Công
viên địa chất (CVĐC) toàn cầu UNESCO do ông Guy Mratini, cố vấn cao cấp,
Chủ tịch Hội đồng CVĐC Toàn cầu UNESCO làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND
tỉnh. Làm
việc với đoàn có đồng chí Lê Hải Hòa, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND
tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, Ban Quản lý CVĐC Non nước Cao Bằng.
Đồng chí Lê Hải Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Đoàn chuyên gia
CVĐC Toàn cầu UNESCO báo cáo kết quả khảo sát tại 3 tuyến CVĐC Toàn cầu UNESCO
Non nước Cao Bằng. Sau năm 2018, CVĐC Non nước Cao Bằng được công nhận là CVĐC
Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng, các điểm di sản, hạ tầng cơ sở cơ bản
được quan tâm đầu tư, nâng cấp, gìn giữ và phát huy.
Đến nay, Các trung tâm thông tin
CVĐC Non nước Cao Bằng của tỉnh, các khu di tích quốc gia đặc biệt được đầu tư,
gìn giữ và nâng cấp; 4 điểm di sản nổi bật: Bazan cầu gối - đèo Mã Phục (Quảng
Hòa), Mắt Thần núi (Trùng Khánh), san hô cổ Lang Môn (Nguyên Bình), hóa thạch
Cúc đá Lũng Luông, Kéo Yên (Hà Quảng) đã xây dựng điểm checkin mới giới thiệu
cho nhân dân và khách du lịch về giá trị kiến tạo địa chất của vỏ trái đất để
du khách hiểu các giá trị di sản và dừng chân an toàn ngắm cảnh, checkin theo
khuyến nghị của chuyên gia CVĐC Toàn cầu UNESCO.
Thực hiện khuyến nghị của CVĐC Toàn
cầu UNESCO về bảo vệ, gìn giữ, phát huy các giá trị di sản của CVĐC Toàn cầu
UNESCO Non nước Cao Bằng, UBND tỉnh trên cả 3 tuyến đạt 81 - 87% trong tiêu chí
bảng chấm điểm của CVĐC Toàn cầu UNESCO. Tổng điểm chung, Cao Bằng sẵn sàng các
điều kiện đạt 83% so với khuyến nghị của CVĐC Toàn cầu UNESCO trong kỳ tái thẩm
định sắp tới.
Đoàn chuyên gia CVĐV toàn cầu UNESCO
khuyến nghị: Điểm di sản Mắt Thần núi (huyện Quảng Hòa) cần đầu tư xây dựng,
quy hoạch các điểm dừng xe cơ giới; vận động bà con giữ nguyên đất nông nghiệp
để trồng ngô, lúa, hoa màu tạo cảnh quan bản làng miền núi hòa mình với thiên
nhiên; cải tạo tuyến đường đi vào để du khách di chuyển bằng xe ngựa của người
dân hoặc xe điện thân thiện với môi trường; xây dựng tuor leo núi ngắm cảnh;
homestay văn hóa bản địa thân thiện với môi trường thu hút khách đến trải
nghiệm. Điểm làng nghề làm hương Phja Thắp (Phúc Sen, Quảng Hòa), chính quyền
địa phương xây dựng nhà bằng vật liệu mới phá vỡ không gian kiến trúc làng Tày
cổ, khuyến nghị sớm ngăn chặn những công trình này; Tỉnh cần quan tâm Phát triển
sản phẩm OCOP trong vùng CVĐC, tiếp tục triển khai hoàn thiện tuyến thứ 5 CVĐC
Non nước Cao Bằng kết nối với CVĐC toàn cầu UNESCO Đồng Văn (Hà Giang).
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ
tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa cảm ơn Đoàn chuyên gia CVĐC Toàn cầu UNESCO có chuyến
khảo sát các điểm di sản CVĐC Non nước Cao Bằng và đánh giá xác thực những việc
làm được và những việc UBND tỉnh, các cơ quan chức năng cần thực hiện trong
thời gian tới để phát huy các giá trị di sản; kết nối du lịch Cao Bằng - Hà
Giang qua phát triển tuyến thứ 5 (huyện Bảo Lâm, Bảo Lạc); thực hiện quy chế
trong các làng nghề truyền thống homestay; phát triển các sản phẩm du lịch nông
nghiệp đặc hữu trong các điểm di sản CVĐC… UBND tỉnh tích cực tham gia các hoạt
động chung của CVĐC toàn cầu UNESCO để tiếp tục phát huy các giá trị CVĐC toàn
cầu UNESCO Non nước Cao Bằng trong cộng đồng mạng lưới CVĐC thế giới.
Nông Dung