Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 13
  • Hôm nay: 187
  • Trong tuần: 1 257
  • Tổng lượt truy cập: 256818
  • Tất cả: 267
Đăng nhập
Độc đáo kỹ thuật nấu sáp ong của người Dao Tiền
Không chỉ giỏi thêu thùa và in hoa văn trên vải bằng sáp ong rất đẹp, người Dao Tiền ở Cao Bằng còn có kỹ thuật nấu sáp ong thủ công rất công phu và độc đáo. Chính kỹ thuật nấu sáp ong bằng thủ công góp phần tạo nên nét văn hóa giàu bản sắc của người Dao Tiền trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Sáp ong được đun nóng để in hoa văn trên vải tạo nên sự tinh tế của trang phục truyền thống người Dao Tiền.

Có rất nhiều loại ong có thể đun lấy sáp ong nhưng với người Dao Tiền thì ong Khoái là loại ong tốt nhất được tìm kiếm và sử dụng. Nguồn ong Khoái lớn nhất để cung cấp nguyên liệu nấu sáp ong hằng năm hiện nay của cộng đồng người Dao Tiền  ở xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) với hơn 40 - 50 tổ ong Khoái ở 2 hang động của xóm. Ngoài ra cũng có những tổ ong Khoái nhỏ lẻ đồng bào phải lặn lội leo núi, băng rừng để tìm.

Mỗi năm, khi mùa xuân ấm áp, hoa rừng nở rộ là ong Khoái về làm tổ xung quanh những bản làng người Dao Tiền. Bước vào mùa thu, khi tiết trời se lạnh, ong lại rủ nhau bay đi để lại tổ đầy mật. Khoảng một tháng sau lập thu, người Dao Tiền sẽ làm lễ cúng và lấy tổ ong để nấu thành những tảng sáp ong lớn bảo quản quanh năm cho các phụ nữ in hoa văn trên vải tạo nên những tấm thổ cẩm, trang phục truyền thống đẹp mắt.

Công đoạn ép sáp ong để đun với nước.

Theo ông Lý Văn Nguyên, xóm Hoài Khao, xã Quang Thành, những tổ ong mang về sau khi tách mật sẽ lấy sáp bỏ vào chảo gang to đun với nước. Khi nước sôi, sáp ong nguyên chất tan dần hòa vào nước nhưng vẫn còn sáp sót lại trong những vỉa tổ ong. Vì vậy, phải chuẩn bị những chiếc giỏ đan bằng tre, nứa xúc những vỉa tổ ong đang đun trong chảo chuyển sang chiếc chảo khác ở ngoài, rồi dùng tre kẹp để ép nước sáp ong chảy xuống chảo.

Sáp ong thô được loại bỏ ra ngoài. Sau khi ép sáp ong xuống chảo lại đổ nước lạnh vào chảo, sáp ong gặp nước lạnh, kết tinh dần tạo thành từng vỉa vàng óng nổi trên mặt nước. Công đoạn cuối cùng là cô sáp ong thành khối nguyên chất. Những vỉa sáp ong đã vớt lên một lần nữa được rửa sạch, loại bỏ hết tạp chất rồi cho vào chảo cô lại, đảm bảo sáp ong thật tinh khiết. Khối sáp ong thành phẩm cuối cùng phải mịn, có màu vàng óng, cô đặc, có thể bảo quản nhiều năm để dùng dần mà không bị hư hỏng.

Quy trình nấu sáp ong không nhiều công đoạn, phức tạp nhưng đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại và cả kỹ thuật, kinh nghiệm mới tạo nên những khối sáp tinh khiết. Chỉ riêng kỹ thuật đun lửa cũng phải điều chỉnh theo từng công đoạn phù hợp. Khi đến công đoạn cô sáp ong thành khối, lửa không được đun to quá hoặc nhỏ quá mà phải điều chỉnh phù hợp để khi sáp ong thành khối sử dụng in hoa văn trên vải phải có độ loãng cần thiết, nếu đặc quá thì sáp ong không ăn vải, nếu loãng quá khi in hoa văn sẽ bị nhòe không đẹp mắt. 

Những khối sáp ong mịn, vàng óng tinh khiết có thể bảo quản và sử dụng nhiều năm

Có thể nói rằng, kỹ thuật đun sáp ong cũng như giá trị thẩm mỹ của những hoa văn trên nền thổ cẩm trang phục dân tộc Dao Tiền là sự tích góp, truyền tải những tinh hoa, trí tuệ qua nhiều thế hệ. Đến nay, cộng đồng người Dao Tiền còn bảo lưu tương đối nguyên vẹn các yếu tố văn hóa truyền thống có giá trị, trong đó có nghề đun sáp ong thủ công truyền thống. 

Theo Báo Cao Bằng
Có thể bạn quan tâm
1 2 3 4 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang