Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài đóng góp cho phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi
Sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển và ấn tượng nhất là thành tích khi giảm được tỷ lệ nghèo từ 58% từ năm 1990 xuống còn dưới 10% vào năm 2014. Thành tựu này có được một phần nhờ chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước cộng với sự quyết tâm thoát nghèo của nhân dân Việt Nam nhưng cũng không thể phủ nhận vai trò tích cực của nguồn lực quốc tế.

Tuy nhiên, giảm nghèo ở Việt Nam vẫn còn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách nhất là giảm nghèo tại các khu vực điều kiện tự nhiên không ưu đãi và trình độ phát triển chưa cao đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa. Trong nỗ lực đó, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang đóng vai trò quan trọng chung tay hỗ trợ cùng với chính phủ Việt Nam đương đầu với thách thức này.

Đồng hành cùng nhân dân Việt Nam

Được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, nhiều chính sách, chương trình, dự án đầu tư và viện trợ phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số đã được triển khai với nhiều nguồn lực trong và ngoài nước. Các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài (TCPCPNN) là một trong những nguồn lực hỗ trợ tích cực góp phần nâng cao đời sống cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Dự án của các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài tuy quy mô và giá trị không lớn nhưng đã tạo ra hiệu quả trực tiếp cho người dân, tạo ra những khu vực dân cư được nâng cao chất lượng cuộc sống mang tính lâu dài. Giá trị viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài cho 24 tỉnh có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao chiếm 21% tổng giá trị viện trợ của cả nước (số liệu thống kê của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam). Trong các lĩnh vực ưu tiên, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Việt Nam tập trung hỗ trợ chủ yếu vào y tế và giáo dục vì xác định đây là yếu tố then chốt đảm bảo nền tảng cho phát triển bền vững. Do đó, giáo dục và y tế cũng là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong giá trị viện trợ của các TCPCPNN cho 24 tỉnh có tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao tại Việt Nam. Các dự án đã tạo điều kiện cho người dân trong lĩnh vực sức khỏe, khám chữa bệnh, nhất là người dân tộc thiểu số vốn khả năng tiếp cận tới các dịch vụ y tế còn rất hạn chế. Tiêu biểu có thể kể đến “Dự án nâng cao năng lực hệ thống y tế cơ sở” của tổ chức Atlantic Philanthropies/Mỹ thực hiện tại nhiều tỉnh miền núi, dự án “Hỗ trợ chăm sóc mắt” của tổ chức Fred Hollows Foundation/Úc, dự án “phẫu thuật nụ cười” của tổ chức Operation Smile/Mỹ. Tại địa bàn tỉnh Phú YênTổ chức Fred Hollows Foundation - Úc (FHF) đã triển khai 2 dự án trong đó, dự án Chăm sóc mắt toàn diện quy mô triển khai ở các huyện Tuy An, Phú Hòa, Đồng Xuân, Tây Hòa, Đông Hòa và TX Sông Cầu trong giai đoạn từ năm 2010-2012 với tổng kinh phí 375.000 USD; dự án Xây dựng mới Bệnh viện Mắt với quy mô 50 giường bệnh, với kinh phí hỗ trợ 495.000 USD và ngân sách tỉnh đối ứng hơn 10 tỉ đồng, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011.
 

Bệnh viện Mắt được xây mới và đầu tư trang thiết bị hiện đại với sự tài trợ của tổ chức FHF 
 (ảnh: Báo Phú Yên)


Bên cạnh những hỗ trợ về y tế, sinh kế và phát triển nông thôn tổng hợp cũng được các tổ chức đặc biệt quan tâm, các chương trình phát triển vùng của WVI, Plan… ngoài hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, tạo việc làm còn hỗ trợ nâng cao năng lực người dân tộc thiểu số giúp họ thoát nghèo bền vững… Có thể kể đến Thanh Hóa, một tỉnh có đến 7 huyện nghèo nằm trong chương trình 30a, đồng bào miền núi và dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao đã được tổ chức World Vision International (WVI/Mỹ) triển khai thực hiện chương trình tài chính vi mô, phát triển nông thôn tổng hợp. Kể lại một câu chuyện điển hình về chị Hiên, một người phụ nữ nghèo dân tộc Thái, ở vùng cao huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa đã được tổ chức WVI đến làng, đề xuất mô hình vay tín dụng với các khoản vay nhỏ, phù hợp năng lực, nhu cầu của những hộ nghèo có ước mơ chính đáng muốn cải thiện cuộc sống của gia đình như chị. Qua tư vấn, chị Hiên đã thấy được cơ hội thoát nghèo, bởi ngoài thủ tục vay đơn giản, không cần thế chấp, mỗi tháng, khoản lãi gia đình chị phải trả chỉ ở mức 1%, tương tương vài chục nghìn đồng. “Tôi quyết định đăng ký vay vốn lần đầu với mức 500 nghìn đồng. Số tiền này, dù không nhiều, nhưng đủ mua đôi lợn giống và một chiếc máy bào gỗ để chồng tôi làm mộc, trang trải cuộc sống”, chị kể lại.Sau năm đầu, không những trả hết nợ dễ dàng, gia đình chị còn “lãi” được đàn lợn. Cứ như vậy, chỉ sau vài năm mạnh dạn tiếp tục vay những khoản vốn lớn hơn, cô gái Thái ngày nào đi hái rau rừng ăn mỗi bữa đã có “của ăn, của để”. Đến nay, sau tám năm làm việc cần cù, từ số vốn vẻn vẹn 500 nghìn đồng, hai vợ chồng cô gái dân tộc nghèo ngày nào đã có thu nhập trung bình 72 triệu đồng/năm, căn nhà lá tồi tàn trước đây cũng trở thành nhà kiên cố, với nhiều đồ dùng hiện đại như TV, tủ lạnh... Theo thống kê từ WVI, trong thời gian tám năm, tổng số vốn chị Hiên đã vay là 29 triệu đồng, tổng tài sản tính đến tháng 7-2014 ước tính là 287 triệu đồng. Với những thành công trên, cuối năm 2014 vừa qua, chị Lê Thị Hiên đã lọt vào danh sách 20 cá nhân đạt giải thưởng Citi Microentrepreneuship, vì những đóng góp xuất sắc cho sự phát triển của ngành tài chính vi mô Việt Nam, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Mô hình sản xuất của chị được đánh giá là đã mạnh dạn đổi mới tư duy, có cách làm sáng tạo, nhạy bén, chủ động tiết kiệm, đa dạng hóa hoạt động để phát triển bền vững. (Trích nguồn: Báo Nhân dân)
 

Chị Hiên cùng "gia tài" đầu tiên trong cuộc đời. (Ảnh: WVI)


Mang tới những sáng kiến, cách làm mới

Các tổ chức PCPNN không chỉ triển khai dự án, chương trình tài trợ mà còn thành lập Nhóm công tác về dân tộc thiểu số (EMWG) thuộc Trung tâm Dữ liệu các tổ chức Phi chính Phủ năm 2002 với các mục tiêu nhằm đảm bảo các cơ hội phát triển bình đẳng cho cộng đồng các dân tộc thiểu số thông qua chia sẻ kinh nghiệm và thông tin, tham gia đối thoại, hợp tác giữa các thành viên và với các cơ quan nhà nước, các tổ chức phát triển và các đối tác khác nhằm thúc đẩy hoàn thiện và thực thi chính sách cũng như các giải pháp, các mô hình phát triển hiệu quả đối nhằm hỗ trợ giảm nghèo bền vững cho đồng bào DTTS. Nhóm bao gồm hơn 500 tổ chức và cá nhân đăng ký tham gia tiếp nhận và chia sẻ thông tin về các phương pháp tiếp cận sáng tạo trong giảm nghèo với nòng cốt là 11 thành viên bao gồm: Tổ chức ActionAid International tại Việt Nam, tổ chức Caritas Thụy Sỹ, tổ chức Care Quốc tế tại Việt Nam, Trung tâm phát triển nông nghiệp bền vững (SRD), Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giá trị bản địa và Môi trường bền vững (CHIASE), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Tổ chức Viện trợ nhân dân Na Uy (NPA), tổ chức Oxfam, tổ chức Plan, tổ chức Cứu trợ trẻ em quốc tế (Save the Children International). Từ khi thành lập đến nay, ngoài hàng trăm chương trình, dự án giảm nghèo của các tổ chức thành viên được thiết kế và thực hiện trên hầu hết các tỉnh nghèo, các địa bàn thuộc Chương trình 135, Chương trình 30a trong phạm vi cả nước, nhóm đã tổ chức rất nhiều các hoạt động chia sẻ, kết nối, hỗ trợ và chung tay với các cơ quan của chính phủ ở cấp Trung ương và địa phương trong việc hoạch định các chính sách và chiến lược giảm nghèo.

Trong năm 2015, các thành viên nòng cốt nhóm EMWG đã đóng góp nhân sự, thời gian và kinh phí cho các hoạt động của nhóm. Một số hoạt động tiêu biểu của nhóm năm 2015 bao gồm:

  • Hỗ trợ Vụ chính sách, Ủy ban Dân tộc xây dựng Chương trình đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016- 2020
  • Tham gia vào tiến trình chuẩn bị báo cáo của các tổ chức xã hội dân sự về tình hình thực hiện Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW) cùng 21 tổ chức và mạng lưới hoạt động về giới tại Việt Nam và tham gia vào Phiên đối thoại của Chính phủ Việt Nam tại Kỳ đối thoại lần thứ 61 của Ủy ban CEDAW, tại Geneva, tháng 7/2015.
  • Tham gia vào nhóm công tác về Giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số của các đối tác phát triển/ DPs (UNDP, Irish Aid, DFAT, WB, FAO, SDC, UNFPA, UNESCO…) để cùng đóng góp ý kiến cho quá trình xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững (MTQGGNBV) giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, các dự án thành phần, trong đó có Chương trình 135 nói riêng.
  • Các hoạt động hỗ trợ, kết nối và tham vấn trong giảm nghèo và phát triển bền vững khác.
  • Trong giai đoạn tới, Nhóm công tác về dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục cam kết thúc đẩy hợp tác, chia sẻ và huy động nguồn lực cho giảm nghèo bền vững cho cộng đồng các dân tộc thiểu số.Đây vừa là cam kết, đồng thời cũng vừa là khuyến nghị của nhóm cho các hoạt động giảm nghèo ở Việt Nam cho giai đoạn 2016-2020. (Trích nguồn thông tin của Trung tâm Dữ liệu Phi chính phủ nước ngoài).


Vận động cộng đồng quốc tế

Bên cạnh đó, các Tổ chức Phi chính phủ nước ngoài cũng tham gia đóng góp tiếng nói của mình tại các diễn đàn quốc tế, hoặc với các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, các cơ quan hợp tác phát triển về tình hình của đồng bào dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Vào năm 2010, nhân chuyến thăm của Chuyên gia độc lập về các vấn đề thiểu số của Liên hợp quốc, bà Gay McDugall, đã có buổi làm việc, tìm hiểu thông tin về các vấn đề thiểu số của Việt Nam với một số Tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Với những thông tin tìm hiểu được, bà McDugall cho biết bà có cảm giác những gì Chính phủ Việt Nam đã và đang làm đối với người dân tộc thiểu số là tốt nhất trong các Chính phủ của những quốc gia mà bà đã đến thăm (trích báo cáo của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam).

Nhận thấy sự hỗ trợ tích cực và hiệu quả của các Tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong phát triển kinh tế - xã hội cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, năm 2014, Ủy ban Dân tộc – cơ quan trực tiếp được giao trách nhiệm về công tác dân tộc thiểu số và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam – cơ quan thường trực về công tác Phi chính phủ nước ngoài đã ký kết thỏa thuận hợp tác 5 năm nhằm tăng cường xúc tiến đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây thể hiện sự đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với hiệu quả của các dự án do tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ và cũng là sự thúc đẩy, tăng cường hơn nữa nguồn viện trợ này trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Việt Nam, góp phần thực hiện cam kết của Chính phủ trong việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, tạo điều kiện và cơ hội để không ai bị bỏ lại phía sau như thông điệp của Liên Hợp Quốc đã đưa ra gần đây.

Hỗ trợ và tạo điều kiện cho người dân tộc thiểu số được tiếp cận đầy đủ các cơ hội phát triển là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua. Việc các TCPCPNN gắn các chương trình phát triển của họ với chủ trương này thể hiện mô hình hợp tác hiệu quả 3 bên giữa chính quyền – TCPCPNN – người dân suốt 30 năm qua. Chặng đường phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng với sự cam kết tiếp tục đồng hành của cộng đồng các TCPCPNN tại Việt Nam, người dân tộc thiểu số và miền núi sẽ luôn là một bộ phận tích cực đóng góp cho sự phát triển và làm nên một dân tộc Việt Nam thống nhất và thịnh vượng.

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang