Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Hội nghị đối ngoai toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng

Ngày 14-12, tại Hà Nội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.

Tham dự Hội nghị trực tiếp tại đầu cầu Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) có các đồng chí: Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh.

Hội nghị được kết nối trực tuyến đến các Bộ, Ban, ngành và cơ quan trực thuộc Trung ương. Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng có các đồng chí: Trần Hồng Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành trong tỉnh.

Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Cao Bằng

Đây là Hội nghị đối ngoại toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Hội nghị đánh giá toàn diện kết quả công tác đối ngoại thời gian qua, đánh giá đúng tình hình khu vực và thế giới, giúp nhận thức sâu sắc hơn đường lối đối ngoại mà Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Từ đó, đề ra nội dung, nhiệm vụ, giải pháp công tác đối ngoại thời gian tới, trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ giúp các cấp ủy, tổ chức đảng, các ngành, các cấp trong công tác đối ngoại.

Mở đầu hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về thành tựu trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, tập trung vào giai đoạn 5 năm vừa qua (2016 - 2021), từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, xác định phương hướng, nhiệm vụ ưu tiên để thực hiện thắng lợi đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh khẳng định trong tổng thể các thành tựu của đất nước có sự đóng góp không nhỏ của đối ngoại và hội nhập quốc tế. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế được Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị đặc biệt quan tâm, chủ động triển khai và đạt nhiều kết quả quan trọng, tích cực, toàn diện.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai đồng bộ đường lối đối ngoại và hội nhập quốc tế của Đảng được đặc biệt quan tâm, chú trọng. Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ, nâng tầm quan hệ với các đối tác; đồng thời đưa các mối quan hệ này ngày càng phát triển đi vào chiều sâu trên cơ sở tăng cường tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác. Đối ngoại góp phần tạo dựng và duy trì vững chắc môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đối ngoại đa phương, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng được đẩy mạnh, thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vai trò, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước. Đối ngoại góp phần thu hút nguồn lực to lớn từ bên ngoài để phát triển đất nước. Các lĩnh vực công tác đối ngoại như: ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân được triển khai toàn diện, chủ động, tích cực cả về chủ trương, chính sách cũng như trên thực tiễn. Đối ngoại được triển khai ngày càng đồng bộ trên tất cả các trụ cột: đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ…, từ Trung ương đến địa phương. Cơ chế phối hợp trong công tác đối ngoại ngày càng hoàn thiện.

Hội nghị được nghe báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Bộ Công thương, Bộ Quốc Phòng, Bộ Công an, Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành ủy Đà Nẵng.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định tính chất quan trọng của hội nghị - đây là hội nghị toàn quốc đầu tiên do Bộ Chính trị, Ban Bí thư trực tiếp chỉ đạo tổ chức để bàn về công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân và của cả hệ thống chính trị. Hội nghị diễn ra trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang phấn đấu triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một cách đồng bộ, toàn diện trên tất cả lĩnh vực đối nội và đối ngoại.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Dưới sự lãnh đạo kịp thời, đúng đắn của Đảng, sự phối hợp đồng bộ, triển khai quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào, chiến sĩ cả nước và kiểu bào ta ở nước ngoài, sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, chúng ta cơ bản kiểm soát được đại dịch, bước vào trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 để phát triển kinh tế - xã hội. Sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc với yêu cầu rất cao trong thời kỳ mới, đòi hỏi chúng ta phải phát huy cao độ nội lực, kết hợp với ngoại lực, quyết tâm tận dụng mọi thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để phát triển đất nước nhanh và bền vững

Đây cũng là dịp các cấp, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại cả trong nước và nước ngoài nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn nữa về tình hình, vị thế của đất nước ta trong khu vực và trên thế giới, vị trí, ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác đối ngoại trong tổng thể chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo ra khí thế mới, xung lực mới cho toàn hệ thống chính trị, cho các cấp, ngành trong hoạt động đối ngoại.

Phân tích những kết quả công tác đối ngoại của đất nước trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc đến công cuộc đổi mới hiện nay, Tổng Bí thư nhấn mạnh, công tác đối ngoại có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ cũng như góp phần nâng cao vị thế đất nước. Đất nước ta đã mở rộng và nâng tầm quan hệ ngoại giao với các nước lớn, tranh thủ được sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Việt Nam đã thực sự “là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước và là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”.

Thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong công tác đối ngoại, Tổng Bí thư rút ra 5 bài học kinh nghiệm quan trọng: Kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, đặt sự phát triển của đất nước vào dòng chảy của thời đại; Kiên định trong nguyên tắc chiến lược, linh hoạt về phương pháp sách lược “dĩ bất biến ứng vạn biến”; Xây dựng tinh thần đoàn kết đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta; Sự lãnh đạo thống nhất tuyệt đối của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước; Xây dựng tổ chức bộ máy và công tác cán bộ. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, tư tưởng, mục tiêu, quan điểm, phương hướng đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đề cao xây dựng đoàn kết, đồng thuận trong nước; kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; phát huy tối đa mọi yếu tố thuận lợi của đất nước để định hình cơ chế đa phương. Triển khai mạnh mẽ, hiệu quả, sáng tạo hơn nữa đối ngoại đa phương, chủ động, tích cực phát huy vai trò, đóng góp xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự kinh tế - chính trị quốc tế; đặc biệt là ASEAN, Liên Hợp Quốc, các cơ chế hợp tác liên nghị viện quốc tế và khu vực... Tiếp tục tham gia các lực lượng gìn giữ hòa bình. Xây dựng chiến lược tổng thể về đối ngoại đa phương đến năm 2030. Mở rộng và nâng cao hoạt động đối ngoại, nhất là hợp tác kinh tế, chính trị, quốc phòng - an ninh. Đưa các mối quan hệ đã có đi vào chiều sâu ổn định, hiệu quả; tăng cường tin cậy chính trị và hợp tác các lĩnh vực. Thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giữ gìn, kế thừa và phát huy bản sắc ngoại giao Việt Nam kết hợp với văn hóa truyền thống của dân tộc, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khoa học, lý luận ngoại giao Việt Nam. Nâng cao công tác nghiên cứu và dự báo chiến lược, nhận thức rõ điểm mạnh, điểm yếu để hoạch định chính sách chiến lược phù hợp. Nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ban, ngành, địa phương có liên quan trong triển khai công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của đất nước. Sắp xếp kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban đối ngoại Trung ương và các địa phương, cơ quan, đơn vị có chức năng làm công tác đối ngoại ở nước ngoài và trong nước theo phương châm hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Trước đó, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham quan triển lãm “Thành tựu đối ngoại Việt Nam qua các thời kỳ”.

Nông Hải
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang