Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc
Ngày 3/10, tại thị trấn Đông Khê (Thạch An), Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng), UBND tỉnh tổ chức Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc. Đây là chuỗi sự kiện có ý nghĩa quan trọng, thiết thực Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Biên giới năm 1950 và Giải phóng Cao Bằng (3/10/1950 - 3/10/2020), chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Các đại biểu tham dự.

Tham dự có các đồng chí: Hà Ngọc Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng; Huỳnh Tấn Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương; Hoàng Văn Trà, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Thiếu tướng Hoàng Văn Hữu, Phó Tư lệnh Quân khu 1; đại diện các ban xây dựng Đảng Trung ương theo dõi tỉnh Cao Bằng; lãnh đạo tỉnh: Lạng Sơn, Cà Mau.

Về phía tỉnh có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); Triệu Đình Lê, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, Thành phố.

Tập đoàn Đèo Cả có các đồng chí: Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); Hồ Nghĩa Dũng, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủ, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Cố vấn cao cấp Tập đoàn Đèo Cả và các thành viên Hội đồng Cố vấn cao cấp, HĐQT, Ban Giám đốc và cán bộ của Tập đoàn.

Lễ động thổ tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn - Trà Lĩnh (Cao Bằng) và khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc.

Trong 2 năm qua, Tập đoàn Đèo Cả cùng tỉnh Cao Bằng nghiên cứu dự án giao thông cao tốc nêu trên một cách tổng thể và có những nghiên cứu, đề xuất rất quan trọng với điểm đầu tại nút giao khu vực Cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng kết nối vào đoạn nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với Cửa khẩu Tân Thanh và Cửa khẩu Cốc Nam (Lạng Sơn); điểm cuối tại nút giao đường vào khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh và Quốc lộ 34, thuộc khu kinh tế Cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Tổng chiều dài tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh theo khảo sát, nghiên cứu đề xuất của Tập đoàn Đèo Cả sẽ rút ngắn xuống còn 115 km so với 144 km theo quy hoạch (giảm 29 km) đi qua địa phận tỉnh Lạng Sơn khoảng 52 km tại 2 huyện Văn Lãng, Tràng Định và trên địa phận tỉnh Cao Bằng khoảng 63 km, gồm các huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Trùng Khánh, Hòa An và Thành phố.

Tuyến nối đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào thành phố Cao Bằng có chiều dài khoảng 15,5 km đi qua 2 huyện: Quảng Hòa, Hòa An và Thành phố; tổng vốn đầu tư dự án giảm còn hơn 20.000 tỷ đồng, giảm khoảng 50% chi phí đầu tư so với tổng vốn đầu tư dự kiến quy hoạch trước đó 47.520 tỷ đồng.

Ngày 10/8/2020, tại Quyết định số 1212/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) theo hình thức đối tác công tư, loại hợp đồng: xây dựng - kinh doanh - chuyển giao.

Dự án với quy mô 4 làn xe, được thiết kế với tốc độ 80 km/h, cơ cấu nguồn vốn gồm vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư và phần vốn nhà nước (trong đó, ngân sách Trung ương hỗ trợ 20%, ngân sách địa phương 20%, còn 60% là vốn của nhà đầu tư và vốn tín dụng). Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 93 km từ Cửa khẩu Tân Thanh đến xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa (Cao Bằng); giai đoạn 2 (hoàn thiện) đầu tư tiếp khoảng 22 km từ huyện Quảng Hòa đến Cửa khẩu Trà Lĩnh (Trùng Khánh) và mở rộng hoàn thiện mặt cắt ngang đoạn còn lại.

Sau khi tuyến cao tốc hoàn thành, thời gian di chuyển từ Cao Bằng đi Hà Nội và ngược lại sẽ rút ngắn từ 6 - 7 giờ xuống chỉ còn khoảng 3,5 giờ tham gia giao thông. Dự án tạo ra tuyến cao tốc chạy dọc biên giới Việt - Trung, kết nối vào hệ thống cửa khẩu dọc tuyến, tạo điều kiện thu hút đầu tư phát triển các vùng kinh tế, sản xuất hàng hóa, phát triển kinh tế cửa khẩu 2 tỉnh: Cao Bằng, Lạng Sơn, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam.

Giai đoạn 1 của dự án triển khai từ năm 2020 - 2024 với tổng chiều dài khoảng 93 km, giai đoạn 2 thực hiện sau năm 2025 với 22 km còn lại. Về phương án tài chính của dự án, Chủ trương đầu tư dự án của Chính phủ cũng chỉ ra nguồn vốn ngân sách Nhà nước tham gia trong dự án và nhà đầu tư sử dụng vốn chủ sở hữu và vốn huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư; được hoàn vốn bằng thu phí kín trên toàn tuyến cao tốc và thu phí trên tuyến nối vào thành phố Cao Bằng.

Hiện nay, UBND tỉnh đã lên kế hoạch triển khai ngay các công việc khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa vật lý; tiến hành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập hồ sơ cắm mốc giải phóng mặt bằng cho từng địa phương để quản lý quy hoạch, trích đo giải thửa. Đồng thời UBND tỉnh mời đối tác từ Cộng hòa Liên bang Đức nghiên cứu, khảo sát triển khai thiết kế công trình gắn với nét văn hóa đặc trưng của tỉnh; phối hợp thực hiện kiến trúc cảnh quan một số công trình trên tuyến đường bộ cao tốc đảm bảo ít ảnh hưởng và khai thác tốt nhất giá trị của Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Đối với 2 tiểu dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh gồm, đường giao thông Đoỏng Lẹng - thị trấn Đông Khê và Thụy Hùng - Vân Trình đều thuộc địa bàn huyện Thạch An sẽ đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu đi lại cũng như vận chuyển hàng hóa phục vụ đời sống, sản xuất của nhân dân, đồng thời phục vụ công tác xây dựng cơ sở hạ tầng khác được thuận lợi, trong đó có phục vụ xây dựng tuyến cao tốc. 2 tiểu dự án sẽ kết nối vùng giáp ranh, tạo điều kiện giao lưu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực hoàn thiện mạng lưới giao thông vận chuyển hàng hóa trên tuyến đường. Từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải tỉnh Cao Bằng với tầm nhìn đến năm 2030.

Tại Lễ động thổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Hải Hòa công bố cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc một số hạng mục công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Theo đó, cuộc thi bắt đầu từ ngày 4/10 -15/12, công bố kết quả và tổ chức trao giải thưởng trong tháng 12/2020.

Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn phát biểu tại Lễ động thổ.

Phát biểu tại Lễ động thổ, Bí thư Tỉnh ủy Lại Xuân Môn đề nghị cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng tiếp tục phải quyết tâm lớn hơn, nỗ lực cao hơn, cầu thị nhiều hơn, chung tay, góp sức, quyết tâm, quyết liệt, đổi mới, sáng tạo với phương châm “biến không thể làm được thành làm được”, “biến khó thành thuận lợi”, “biến lặng lẽ, âm thầm thành khí thế sôi nổi”, đoàn kết, thống nhất vượt qua các rào cản để triển khai thực hiện, sớm hoàn thành đưa dự án vào vận hành. Ban Chỉ đạo Dự án chủ động phối hợp với tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Đèo Cả triển khai việc hoàn thiện dự án; thực hiện thi tuyển phương án kiến trúc, đảm bảo tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) khi hoàn thành sẽ là tuyến đường đẹp, kiểu mẫu của cả nước về thân thiện với môi trường, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà còn là biểu tượng văn hóa, phục vụ khách tham quan, du lịch; phục vụ quốc phòng - an ninh.

UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và các đơn vị thi công dự án; đặc biệt đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, nơi công trình đi qua. Cấp ủy, chính quyền các địa phương có dự án đi qua bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án, tạo sự thống nhất, đồng thuận, ủng hộ, tham gia thực hiện dự án; di dời, nhận tiền đền bù, tổ chức giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện nhanh nhất để thi công thực hiện dự án.

Các đồng chí lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh kiểm tra máy móc, thiết bị chuẩn bị khởi công 2 tiểu dự án kết nối cao tốc.

Đối với nhà đầu tư, các đơn vị tham gia dự án xác định đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại, là công trình giúp Cao Bằng “kết nối để vươn xa”, vì vây, phải phối hợp tổ chức thật tốt, đồng bộ, hiệu quả, triển khai thực hiện dự án đảm bảo tuyệt đối an toàn, chất lượng cao, không để thất thoát và theo đúng tiến độ đề ra.

Nhân dân các dân tộc huyện Thạch An hân hoan đến dự Lễ khởi công.

Đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quan tâm phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả cùng với tỉnh Cao Bằng hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của 2 tỉnh: Lạng Sơn và Cao Bằng trong thời gian tới.

Theo Báo Cao Bằng
Có thể bạn quan tâm
1 2 3 4 5  ... 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang