Cơ sở hạ tầng
*Giao thông vận tải
Với vị trí địa lý và điều kiện địa hình tương đối phức tạp của một tỉnh vùng cao biên giới và nằm xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, hệ thống giao thông của tỉnh Cao Bằng còn những hạn chế về tuyến giao thông và chất lượng giao thông trong tỉnh cũng như với bên ngoài. Hệ thống giao thông duy nhất chỉ có đường bộ, gồm bốn tuyến quốc lộ (QL 3, 4A, 34 và 4C) với chiều dài 360km và các tuyến tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, liên xã. Trong đó, QL3 là huyết mạch của tỉnh, xuất phát từ Yên Viên đến Thái Nguyên, Bắc Kạn, Cao Bằng và cửa khẩu Tà Lùng. QL 4A là con đường ngắn nhất nối Cao Bằng với cảng biển Mũi Chùa (Quảng Ninh). Hiện nay, hai quốc lộ này đều đang được cải tạo và nâng cấp với quy mô cấp 4 miền núi. Bên cạnh đó, QL34 và 4C dự kiến sẽ được xây dựng với quy mô cấp 5 miền núi đảm bảo cho các phương tiện giao thông lưu thông bình thường. Việc cải tạo và nâng cấp các tuyến quốc lộ này dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2006 .
Về tỉnh lộ, Bộ Giao thông Vận tải đã thống nhất phương án đầu tư và phương án này dự kiến sẽ được Nhà nước xem xét trong thời gian gần nhất. Đối với đường giao thông nông thôn, mặc dù kinh phí địa phương còn hạn hẹp song Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cơ quan liên quan trong thời gian qua đã nỗ lực đầu tư, cho đến nay, 100% số xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã và nhiều tuyến đã được nhựa hóa.
Từ tháng 12/2003, tuyến vận tải quốc tế từ Cao Bằng sang Long Châu (Trung Quốc) được khai thông. Nhờ đó, hoạt động vận tải đã phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, vận tải hàng hóa và hành khách đang từng bước nâng cao chất lượng. Thêm vào đó, điều kiện đường xá trong những năm qua không ngừng được cải tạo và nâng cấp đã góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và đi lại của hành khách.
Trong tương lai gần, Cao Bằng sẽ cần phát triển thêm các loại hình giao thông khác như đường sắt và đường không để phá thế độc đạo hiện nay. Khi các tuyến đường này được xây dựng, chắc chắn kinh tế Cao Bằng sẽ phát triển một cách toàn diện, thế mạnh về khai thác chế biến khoáng sản sẽ được khai thác triệt để, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và du lịch…
*Thông tin liên lạc
Mạng lưới bưu chính viễn thông trên địa bàn tỉnh có những bước tiến quan trọng và vượt bậc. Hiện nay, Cao Bằng có thể liên lạc trực tiếp với cả nước và quốc tế thuận lợi.Toàn tỉnh đã có một bưu cục trung tâm, 12 bưu điện huyện, 19 chi nhánh, một đường thư liên tỉnh (Cao Bằng - Hà Nội) dài 286 km; 10 đường thư nội tỉnh với độ dài 718 km, 153 đường thư nội huyện với độ dài 2.023 km, 87 đường thư xã với độ dài 1.011 km được kết hợp với vận chuyển bằng các phương tiện giao thông xã hội (xe đạp, xe máy, ngựa thồ, người đi bộ). Toàn tỉnh có 1 tuyến đường dây cấp I, 5 tuyến đường dây nội tỉnh, 8 tuyến đường dây cấp III, với độ dài trồng cột 485,3 km, tổng độ dài đường dây là 1.240,8 km. Có 10 máy tải ba được lắp đặt cho các huyện, thị: Thị xã - Hoà An, Hà Quảng - Quảng Hoà, Trùng Khánh.Một tổng đài tự động MSN 7/70; 3 máy têlêtíp; 5 máy Gentex có thể liên lạc với cả nước để nhận diện điện báo, 16 máy vô tuyến trang bị trên mạng, liên lạc định kỳ theo phiên với 12 huyện và các tỉnh thành: Thái Nguyên, Hà Nội với Cục Bưu điện trung ương .
Tổng số máy thuê bao toàn tỉnh đạt trên 10.700 máy, bình quân 2,2 máy/100 dân. Trên 50% số xã có điểm bưu điện văn hoá. Bán kính phục vụ bình quân của ngành bưu điện là 7,6km/điểm.
*Cung cấp điện
Nguồn cung cấp điện cho tỉnh hiện nay chủ yếu dựa vào nguồn và hệ thống cung cấp điện lưới quốc gia. Ngoài ra, Cao Bằng còn khai thác nguồn thuỷ điện nhưng công suất chỉ đạt khoảng 3.000 KVA. ĐLCB đã đầu tư xây dựng lại các nguồn phát của địa phương như Nhà máy Thuỷ điện Suối Củn - Thị xã Cao Bằng, Thuỷ điện Nà Tẩu - Quảng Hoà, Thuỷ điện Thoong Cót - Trùng Khánh... để phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt ở địa phương. Tuy nhiên, nguồn điện này không ổn định vì phụ thuộc vào thiên nhiên.
*Cung cấp nước
Nguồn nước ngọt của Cao Bằng khá phong phú bởi trên phạm vi lãnh thổ tỉnh có nhiều sông, suối, ao, hồ. Ngoài ra, nguồn nước ngầm cũng cho một khả năng tốt trong vấn đề giải quyết nước sinh hoạt. Toàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào sử dụng được 7 công trình cấp nước sinh hoạt tại 7/13 huyện, thị với công suất thiết kế đạt hơn 14.000 m3/ngày đêm. Đến năm 2003, 80% dân số thành thị và 52,1% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đã có nước sạch sinh hoạt. Tình trạng thiếu nước sinh hoạt ở nhiều vùng núi cao, đặc biệt ở các khu vực núi đá vôi đang dần được khắc phục.Hệ thống thuỷ lợi đã được đầu tư xây dựng và nâng cấp, đảm bảo cung cấp nước phục vụ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt và chuyển đổi cơ cấu cây trồng.