Tiềm năng thế mạnh
Cao Bằng là tỉnh có các giá trị văn hóa, văn học nghệ thuật, dân gian truyền thống đã được nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục và đang phát huy giá trị. Với địa hình và điều kiện tự nhiên đã tạo nên nhiều danh lam thắng cảnh mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, có tiềm năng thế mạnh để phát triển các lọai hình du lịch như: Du lịch văn hóa, lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng…
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 215 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Khu di tích lịch sử cách mạng có khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó, nơi gắn liền với giai đoạn lịch sử đặc biệt quan trọng của cách mạng Việt Nam và cuộc đời họat động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam; Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan sát trực tiếp, chỉ huy chiến dịch biên giới năm 1950; Ngoài ra còn có các di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu khác như thành nhà Mạc, đền Vua Lê…
Các khu danh lam thắng cảnh, như: Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, Hồ Thang Hen, khu di lịch sinh thái Phja Oắc - Phja Đén và các lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc như: lễ hội Pháo hoa, Nàng Hai, Hội Kỳ sầm... Ngoài ra Cao Bằng có cửa khẩu Quốc tế Tà Lùng và 3 cửa khẩu chính: Trà Lĩnh, Sóc Giang và cửa khẩu Lý Vạn, cùng nhiều cặp chợ biên giới giao thương với Quảng Tây, Trung Quốc là một thế mạnh để hợp tác phát triển xuất, nhập khẩu hàng hóa, du lịch, phát triển kinh tế xã hội.
Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, Cao Bằng đã đẩy mạnh khai thác, phát triển các sản phẩm du lịch, như: Du lịch văn hóa lễ hội, gắn với các di tích lịch sử văn hóa có di tích Pác Bó, lễ hội Lồng tồng, Hội thanh minh…; du lịch sinh thái thác Bản Giốc, động Ngườm ngao; du lịch nghỉ dưỡng Phia Oắc, Phia Đén, khu nghỉ dưỡng cao cấp Sài Gòn Bản Giốc.
Nhờ đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư, quy hoạch xây dựng các khu, điểm du lịch trọng điểm, năm 2015 Cao Bằng đã đón gần 34 nghìn lượt khách du lịch quốc tế, tăng 92,6% so với năm 2011 và gần 700 nghìn lượt khách nội địa. Các cơ sở lưu trú cũng không ngừng được cải tạo, nâng cấp, xây mới, chất lượng dịch vụ cũng được nâng cao, năm 2015 có 170 đơn vị, với 2.200 phòng và 3.500 giường, trong đó có 9 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao, 19 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao.
Trong những năm qua, du lịch Cao Bằng đã có những bước tăng trưởng đáng kể, tuy nhiên kết quả chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, lượng khách du lịch đến và lưu trú còn ít, sản phẩm du lịch chưa đa dạng… Để du lịch Cao Bằng phát triển tương xứng với tiềm năng của địa phương, tỉnh đã đề ra một số giải pháp cụ thể: Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới và Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 02/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời thực hiện theo nguyên tắc phát triển du lịch có trách nhiệm; Huy động tổng hợp các nguồn lực xã hội, bảo tồn và phát triển các lễ hội, các hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề truyền thống; Cơ chế chính sách đầu tư, thuế, cơ chế chính sách về thị trường, cơ chế chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh; Xây dựng Đề án ưu tiên phát triển nguồn nhân lực du lịch, có kế hoạch, chương trình đào tạo lực lượng tại chỗ phù hợp với thực tế của địa phương, đặc biệt quan tâm đến cộng đồng dân tộc thiểu số ít người tham gia các hoạt động dịch vụ du lịch đơn giản tại các khu, điểm du lịch; Triển khai hiệu quả Kế hoạch xúc tiến quảng bá du lịch Cao Bằng giai đoạn 2015 – 2020; Tăng cường và mở rộng hợp tác quốc tế nhằm kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch; hợp tác, khai thác tốt các thỏa thuận hợp tác giữa Cao Bằng và Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc); Tăng cường sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước góp phần nâng cao sức cạnh tranh và phát triển bền vững của du lịch địa phương.