Hoạt động tại Cao Bằng từ năm 2009, hơn 10 năm qua, Childfund Cao Bằng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, góp phần phát triển KT-XH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân địa phương.
Là người tàn tật, lại là hộ nghèo, anh Nông Văn Thọ và vợ
là chị Nông Thị Toán ở xóm Lũng Vài, xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên trước đây vẫn
loay hoay với bài toán làm sao để thoát nghèo, bởi anh là người tàn tật, một mình
chị Toán là lao động chính trong gia đình quanh năm vẫn phải bươn trải làm lụng
nuôi 5 miệng ăn. Cho đến đầu năm 2017, khi Childfund Cao Bằng triển khai dự án
tại xã Đoài Khôn, gia đình anh chị đã mạnh dạn vay vốn dự án gần 40 triệu đồng
mua 03 con trâu, bò về nuôi vỗ béo rồi xuất bán. Khi tham gia dự án, ngoài được
vay vốn, gia đình anh, chị còn được tổ chức Childfun mời tham gia các lớp tập
huấn về kỹ thuật chăn nuôi, hỗ trợ tiền 50% để mua thức ăn. Đến nay, trải qua hơn
3 năm tham gia mô hình, mỗi năm anh chị xuất bán từ 2 đến 3 lứa, mỗi lứa từ 3 đến
4 con trâu, bò. Chị Toán cho biết: " mỗi con trâu nuôi khoảng 3 tháng vỗ béo
rồi xuất bán được lãi khoảng 3 đến 4 triệu đồng, cá biệt có con lãi từ 6 đến 7
triệu đồng, trừ đi chi phí, mỗi năm gia đình chị có thu nhập tăng thêm từ nghề
nuôi trâu, bò vỗ béo trên 30 triệu đồng, góp phần ổn định cuộc sống gia đình",
quan trọng hơn, từ ngày tham gia mô hình, vừa có thu nhập tăng thêm, chị vừa có
thêm thời gian chăm sóc chồng, con, bởi thời gian dành cho việc chăm sóc đàn trâu
cũng không chiếm quá nhiều.
Còn rất nhiều hộ ở xóm Lũng Vài, nhờ tham gia dự án của
Childfund mà cuộc sống của bà con đang dần trở nên khấm khá, như hộ anh Hoàng Văn
Bách, năm 2019 xuất bán được 25 con trâu, trừ chi phí, gia đình anh thu nhập gần
60 triệu đồng. Bà Hoàng Thị Vui, Chủ tịch HLHPN xã Đoài Khôn cho biết, từ năm
2017 đến nay, toàn xã đã có 288 hộ được hưởng lợi từ dự án, ngoài chăn nuôi trâu, bò, tùy điều
kiện gia đình của mỗi hộ, có thể nuôi lợn, gà, vịt, trâu nái... trong đó dự án
hỗ trợ kỹ thuật, một phần vốn giống, nhờ vậy cuộc sống nông thôn ở Đoài Khôn
nay đã có nhiều khởi sắc.
Cán bộ dự án của tổ chức Childfund đến kiểm tra mô hình chăn nuôi
trâu vỗ béo tại gia đình chị Lương Thị Toán ở xã Đoài Khôn, huyện Quảng Uyên. Ảnh:
Quang Sự.
Theo ông Triệu Đức Hoạt - Trưởng
vùng dự án Childfund tại Cao Bằng, từ năm 2009 đến nay, tổ chức ChildFund đã thực
hiện các chương trình dự án tại địa bản một số huyện: Quảng Uyên, Trà Lĩnh,
Thạch An và Thành phố Cao Bằng với ngân sách tài trợ trung bình hàng năm khoảng
1 triệu - 1,4 triệu AUD (đô la Úc)
cho các dự án thuộc các lĩnh vực như: "Nước
sạch và vệ sinh môi trường";"Giáo dục"; "Dân sinh/sinh
kế"; "Y tế"; "Bảo vệ trẻ em"; " Quan hệ tài trợ
trẻ"... Trong đó "Dự án dân sinh" trị giá 17,7 tỷ đồng
đã hỗ trợ người dân xây dựng kênh mương tưới tiêu cho đồng ruộng; tập huấn nâng
cao năng lực cho cán bộ thực hiện dự án và người dân về kỹ thuật chăn nuôi; xây
dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững với cây lúa, cây ngô, chăn nuôi
gà, lợn, bò, dê; xây dựng mô hình tiết kiệm tín dụng cho bà con vay vốn để phát triển chăn nuôi và
sản xuất nông nghiệp; đào tạo nghề cho thanh niên; "Dự án Sẵn sàng cho ngày mới" tập trung vào lĩnh vực: Truyền thông thay đổi
hành vi về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ; hỗ trợ xây dựng trạm y tế và cung cấp
trang thiết bị dụng cụ y tế... Cùng với đó, "Dự án Học tập với niềm vui"
đã góp phần cải thiện giáo dục mầm non cho trẻ em dân tộc thiểu số với
phương pháp trực quan hành động thông qua các lớp tập huấn, dự giờ và hội thảo;
Hay "Dự án Bảo vệ trẻ em và xây dựng
bản lĩnh trẻ em" đã tăng cường tiếng nói của trẻ em và thanh niên để
nâng cao tính đại diện và chủ thể trong các vấn đề liên quan đến trẻ em và
thanh niên. "Dự án Cải thiện chất
lượng môi trường sống cho trẻ em tại cộng đồng huyện Trà Lĩnh và huyện Quảng
Uyên" đã hỗ trợ cộng đồng xây dựng nhà vệ sinh trong việc quản lý phân
hữu cơ tăng lợi ích sử dụng cho nông nghiệp, di dời chuồng trại chăn nuôi trâu,
bò ra khỏi gầm sàn.

Trường
mầm non Tự do và tiểu học Co Rào tại xã Tự Do huyện Quảng Uyên do tổ chức
Childfund tài trợ xây dựng. Ảnh: Quang Sự.
Những dự án được triển khai trong thực tế, đã có những
tác động thiết thực và là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội,
xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người hưởng lợi
vùng dự án. Bên cạnh đó những vấn đề xã hội quan trọng như nhận thức của người
dân về vấn đề cân bằng giới, sinh đẻ có kế hoạch, đặc biệt là sự tham gia của
người dân vào các hoạt động của chính quyền và phát triển kinh tế xã hội ở địa
phương đúng theo chủ trương “Dân biết,
dân bàn, dân làm và dân kiểm tra” của Đảng và Nhà nước đã được cải thiện
đáng kể.
Thông qua các hoạt động dự án, năng lực của cán bộ các
cấp từ cấp tỉnh đến cấp huyện đã được nâng cao một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.
Trình độ chuyên môn của các cán bộ tham gia các hoạt động dự án đã được nâng
cao đáng kể qua đó góp phần thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao. Ngoài ra,
các kỹ năng mềm như: giao tiếp, lắng nghe, làm việc nhóm, tuyên truyền vận động
của các cán bộ cơ sở cũng được cải thiện rõ rệt góp phần giúp người dân hiểu rõ
hơn chính sách của Đảng và Nhà nước đối với nhân dân đặc biệt là đồng bào dân tộc
thiểu số làm tăng sự tin tưởng của người dân vào chính quyền và tham gia tích cực
hơn vào các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Từ những đóng
góp không ngừng nghỉ, vừa qua, UBND tỉnh Cao Bằng đã quyết định đồng ý gia hạn
thêm thời gian hoạt động của tổ chức Childfund tại Cao Bằng giai đoạn từ năm 2020-2022, đây chính là sự ghi nhận của chính quyền tỉnh
Cao Bằng với những đóng góp của tổ chức Childfund và là tin vui đối với bà con
nhân dân nằm trong các vùng dự án sắp được triển khai./.
TS.Triệu
Thị Kiều Dung
PGĐ Sở Ngoại vụ