Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 15 năm 2022
Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 15 năm 2022

I. THÔNG BÁO

1. Chủ tịch Quốc hội Campuchia thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia Xăm-đéc Hêng Xom-rin (Samdech Heng Samrin) và Phu nhân sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12-14/9/2022.

Chuyến thăm này là hoạt động cấp cao quan trọng trong Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, Campuchia – Việt Nam 2022, nhân dịp hai nước kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (24/6/1967 – 24/6/2022).

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch Quốc hội Campuchia sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đến chào lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Hai bên dự kiến sẽ trao đổi một số biện pháp tăng cường hơn nữa hợp tác hữu nghị Việt Nam – Campuchia trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác giữa hai Quốc hội.

2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore Heng Swee Keat (Heng Suy Kit) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 11 – 15/9/2022.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore tiếp tục phát triển thực chất, đạt nhiều kết quả tích cực; đồng thời hai nước đang hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2023.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng điều phối chính sách kinh tế Singapore sẽ đến chào lãnh đạo cấp cao Việt Nam; hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; làm việc với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Australia và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Australia lần thứ 4

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong (Pe-ni Oong), Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức Australia từ ngày 10 – 13/9/2022 và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Australia lần thứ 4.

Những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Australia tiếp tục phát triển mạnh mẽ và hiệu quả. Hai nước duy trì tiếp xúc song phương ở cấp cao và các cấp. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2021 đạt 12,4 tỷ USD, tăng gần 50% so với năm 2020. Hai nước cũng đang quan tâm thúc đẩy một số lĩnh vực hợp tác mới như chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, chuyển đổi năng lượng…

Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chào xã giao Thủ tướng Australia; đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Australia lần thứ 4 và tiến hành một số hoạt động quan trọng khác. 

4. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – New Zealand lần thứ 1

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao New Zealand Nanaia Mahuta (Na-nai-a Ma-hu-ta), ngày 13 – 15/9/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ thăm chính thức New Zealand và đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – New Zealand lần thứ 1. Đây là kỳ họp đầu tiên của cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – New Zealand đã được lãnh đạo hai nước nhất trí trong Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – New Zealand giai đoạn 2021 – 2024.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – New Zealand đang phát triển tích cực. Lãnh đạo cấp cao duy trì tiếp xúc song phương ngay cả trong thời gian đại dịch. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng tốt qua từng năm. Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, lao động, nông nghiệp, an ninh, quốc phòng phát triển tốt đẹp và còn nhiều tiềm năng.

Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ chào xã giao Chủ tịch Quốc hội New Zealand; đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – New Zealand và tiến hành một số hoạt động quan trọng khác.

5. Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu thăm Việt Nam

Nhận lời mời của Chủ nhiệm Uỷ ban đối ngoại Quốc hội Vũ Hải Hà, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế của Nghị viện châu Âu Bernd Lange (Bơn Lang-gơ) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 08 – 10/9/2022.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu đang phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn sẽ đến chào xã giao lãnh đạo cấp cao Quốc hội và Chính phủ, làm việc với Ủy ban Đối ngoại Quốc hội và một số bộ, ngành Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bên, đặc biệt là về thương mại và đầu tư.

6. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yamada Shigeo thăm Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yamada Shigeo thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 07 – 09/9/2022.

Trong chuyến thăm, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yamada Shigeo sẽ có cuộc làm việc với Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ và lãnh đạo một số bộ, ngành của Việt Nam để trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản vào năm 2023; đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

7. Tham vấn Chính trị Việt Nam – Ai Cập lần thứ 9 (09/9/2022)

Triển khai Nghị định thư hợp tác giữa Bộ Ngoại giao hai nước (ký tháng 6/1996), Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Ayman Aly Kamel Aly (Ai-man A-li Ca-men A-li) sẽ đồng chủ trì Kỳ họp Tham vấn chính trị lần thứ 9 vào ngày 9/9/2022 tại Hà Nội.

Tham vấn diễn ra trong bối cảnh hai nước chuẩn bị tổ chức kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (01/9/1963 – 01/9/2023). Trong những năm qua, quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam – Ai Cập phát triển tốt đẹp. Hai nước duy trì trao đổi đoàn thường xuyên ở tất cả các cấp. Ai Cập cũng là một trong 05 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi.

Trong thời gian tại Việt Nam, dự kiến, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Ayman Aly Kamel Aly (Ai-man A-li Ca-men A-li) sẽ chào xã giao Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và gặp một số lãnh đạo bộ, ngành của Việt Nam để trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Sputnik: Tại diễn đàn kinh tế Phương Đông lần thứ VII (05 – 08/09/2022) tại Vladivostok, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko tuyên bố Nga đang đàm phán với các nước Đông Nam Á, Trung Đông, Mỹ Latinh và Trung Quốc về việc sử dụng hệ thống thanh toán MIR. Xin cho biết Việt Nam có kế hoạch áp dụng hệ thống thanh toán MIR của Nga trong thời gian tới hay không?

Trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ hợp tác với các đối tác trên thế giới, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang trong quá trình xây dựng các khuôn khổ pháp lý về việc tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế. Từ đó nghiên cứu, xem xét khả năng tham gia các hệ thống thanh toán quốc tế trên cơ sở vừa đảm bảo lợi ích của Việt Nam cũng như phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.

2. Tuổi Trẻ: Theo phản ánh của báo chí, gần đây có tình trạng nhiều người đến xếp hàng, đặt chỗ từ đêm để làm thủ tục xuất ngoại tại Cục Lãnh sự. Phía Cục Lãnh sự cũng đã có lưu ý người dân nên đăng ký lịch hẹn online nhưng tình trạng tập trung đông người vẫn tiếp diễn. Vì sao lại như vậy và giải pháp của cơ quan chức năng là gì để người dân được làm thủ tục nhanh chóng, tiện lợi?

Như chúng tôi đã thông tin ngày 01/09/2022, sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19 và Chính phủ triển khai chủ trương mở cửa trở lại thì nhu cầu đi lại, công tác, học tập, làm việc và du lịch của công dân Việt Nam gia tăng nhanh chóng. Cục Lãnh sự ghi nhận hiện nay riêng số lượng hồ sơ làm thủ tục chứng nhận lãnh sự đối với giấy tờ công dân mang ra nước ngoài sử dụng đã tăng đột biến, từ 200 – 300% so với tháng 06/2022.

Trước tình hình như vậy, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Cục Lãnh sự và các đơn vị liên quan trong Bộ triển khai hàng loạt biện pháp quyết liệt cả về nhân lực và vật lực để đáp ứng nhu cầu của công dân.

Thứ nhất là, nâng tối đa hiệu suất tiếp nhận hồ sơ trong điều kiện cho phép.

Hai là, xuyên suốt thời gian nghỉ lễ, Bộ Ngoại giao đã cho triển khai nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, bổ sung lắp đặt thêm máy móc, trang thiết bị.

Ba là, điều động gần 20 cán bộ biệt phái từ các đơn vị khác sang Bộ phận một cửa tại Cục Lãnh sự. Đến nay, đã nâng số cửa tiếp nhận hồ sơ lên gấp đôi là 10 cửa so với 5 cửa trước đây. Phần mềm đặt hẹn trực tuyến cũng được nâng cấp, tăng gần gấp đôi số lượng nhận lịch đặt hẹn online (hơn 100 lịch hẹn so với mức tối đa trước đây là khoảng 60 lịch hẹn một ngày).

Cục Lãnh sự cũng bố trí bàn thông tin, dán thông báo, bảng tin, đăng trên cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự để hướng dẫn thủ tục, khuyến nghị người dân sử dụng các hình thức nộp hồ sơ linh hoạt như qua đường bưu điện hoặc các cơ quan ngoại vụ địa phương được ủy quyền.

Các biện pháp trên đã mang lại nhiều kết quả rất tích cực. Liên tục từ sau kỳ nghỉ lễ, mỗi ngày Bộ phận tiếp nhận hồ sơ hợp pháp hóa, chứng nhận lãnh sự tiếp nhận trung bình khoảng 360 lượt ngày (so với trước đây chỉ khoảng 150 – 250 lượt ngày). Trong 03 ngày vừa qua đã tiếp nhận hơn 1000 bộ hồ sơ, chứng nhận gần 8000 văn bản. Tất cả những khách đến xếp hàng và lấy số trong ngày, nếu đáp ứng yêu cầu thủ tục đều được tiếp nhận hồ sơ, không còn tình trạng công dân phải ra về.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiến nghị, tham mưu chính sách với Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục chứng nhận, hợp pháp hóa lãnh sự nói riêng và các thủ tục lãnh sự nói chung, tăng cường phân quyền tiếp nhận hồ sơ, ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết nhanh chóng, kịp thời các yêu cầu của công dân.

3. Tuổi Trẻ: Liên quan đến tình hình bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa sang Campuchia, xin Bộ Ngoại giao cập nhật thêm thông tin có bao nhiêu trường hợp đã bị lừa, và bao nhiêu trường hợp đã được giải cứu. Phía Campuchia có thông báo kết quả xử lý người quản lý Casino Rich World, nơi hơn 40 người Việt Nam để trốn thoát vì bị bóc lột hay chưa?

Như chúng tôi đã nhiều lần thông tin, trong thời gian qua, các cơ quan chức năng và địa phương Việt Nam, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã rất chủ động, tích cực phối hợp với phía Campuchia rà soát, điều tra, xác minh và giải cứu các công dân bị lừa đảo, môi giới đi lao động bất hợp pháp tại Campuchia. Tính đến nay, đã đưa hơn 600 công dân về nước an toàn và hỗ trợ thủ tục cho hàng ngàn công dân khác.

Theo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia, trong quá trình rà soát người nước ngoài nhập cư, lao động bất hợp pháp, phía Campuchia cũng tiến hành giải cứu và trao trả cho phía Việt Nam 12 công dân bị chủ sử dụng lao động cưỡng bức tại Sihanoukville và tại Phnom Penh, Campuchia.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình lao động Việt Nam tại Campuchia và phối hợp với các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong nước và phía Campuchia để triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

4. Tuổi Trẻ: Thời gian qua, không ít doanh nghiệp Việt Nam và FDI than phiền về việc dự án của họ bị trì trệ do thủ tục visa cho các chuyên gia nước ngoài mất nhiều thời gian. Có trường hợp liên tục bị từ chối visa. Thời gian nhập cảnh cho chuyên gia chỉ 30 ngày, không đủ để chuyên gia theo các dự án chuyên sâu. Một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã kiến nghị Việt Nam tăng thời hạn visa chuyên gia. Xin Bộ Ngoại giao thông tin thêm về thời hạn visa và thủ tục cấp visa hiện nay cho chuyên gia nước ngoài, các giải pháp cho vấn đề visa chuyên gia như doanh nghiệp phản ánh để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh phục hồi hậu Covid-19?

Thời gian qua, với mục tiêu tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, góp phần phục hồi vào phát triển kinh tế sau đại dịch, Bộ Ngoại giao đã rất chủ động, tích cực kiến nghị với Chính phủ về các chính sách, biện pháp mở cửa, trong đó nổi bật là việc nối lại cơ chế miễn thị thực cho công dân 13 nước, nối lại cấp thị thực cho khách du lịch... Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực trao đổi với các bên liên quan để đơn giản hoá thủ tục nhập cảnh cho công dân cả 2 bên,  ghi nhận phản ánh từ công dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước để hoàn thiện chính sách xuất nhập cảnh đáp ứng các yêu cầu của giai đoạn phát triển mới.

Theo quy định tại Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh và cư trú của người nước ngoài ở Việt Nam thì người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam làm việc với doanh nghiệp, dự án trong nước phải thông qua thủ tục xét duyệt tại Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an. Các loại thị thực và thời hạn thị thực do Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an quyết định. Sau khi Bộ Công an phê duyệt, các cá nhân người nước ngoài được nhận thị thực lao động dài hơn 30 ngày có thể đến nhận thị tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công an cũng như các Bộ, ngành, cơ quan liên quan khác nghiên cứu, đề xuất, tham mưu xây dựng chính sách xuất nhập cảnh phù hợp với tình hình mới.

5. DPA:  Vừa rồi chúng tôi có làm một số thủ tục để xin “giấy xác nhận thuộc diện được miễn giấy phép lao động” tại Việt Nam và mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ của Vụ Thông tin Báo chí Bộ Ngoại giao thì vẫn còn nhiều khó khăn, không thể đáp ứng được các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục như của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Nghị định 152 của Chính phủ Việt Nam quy định miễn giấy phép lao động cho phóng viên nước ngoài thường trú thì tại sao họ vẫn phải xin “giấy xác nhận thuộc diện miễn giấy phép lao động”, không khác gì quy trình xin “giấy phép lao động”? Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết thời gian tới có giải pháp gì để tháo gỡ những khó khăn này cho phóng viên nước ngoài thường trú ở Việt Nam?

 Một lần nữa xin khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn chủ trương mở cửa và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công dân nước ngoài vào Việt Nam học tập, sinh sống, làm việc và du lịch trên cơ sở các quy định liên quan của luật xuất nhập cảnh.

Tuy nhiên, thời gian qua trong quá trình triển khai thực tế cũng có một số quy định ảnh hưởng đến việc xin các thủ tục để gia hạn thị thực và cư trú của phóng viên thường trú của các cơ quan đại diện báo chí nước ngoài tại Việt Nam. Chúng tôi ghi nhận ý kiến phản ánh của phóng viên báo DPA, thời gian tới Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, như Bộ Công an, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, trên cơ sở quy định của pháp luật, cố gắng đơn giản hoá các thủ tục, quy trình theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho phóng viên khi làm thủ tục xin gia hạn thời gian cư trú.

6. VnExpress: cảnh sát thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia, cho biết người đàn ông tên Duong, đầu bếp 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, đã bị một nhóm người hành hung bằng gậy gộc sáng ngày 26/08 trước Casino 67 ở Bavet Sangkat. Giới chức Campuchia xác định nhóm người đánh chết Duong cũng là người Việt những đã bỏ trốn ngay sau khi gây án. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết thêm thông tin về sự việc và những biện pháp bảo hộ công dân?

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cho biết, ngày 26/8/2022 đã xảy ra một vụ đánh nhau tại khu vực Casino 67 thuộc ấp Chết, xã Sôm Rông, huyện Chanh Tria, tỉnh Svay Riêng khiến một công dân Việt Nam tử vong.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và đề nghị cơ quan chức năng tiến hành điều tra, làm rõ sự việc. Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia cũng đã liên hệ với gia đình nạn nhân và hỗ trợ gia đình nạn nhân làm các thủ tục hậu sự và đưa thi hài về nước. Hiện cảnh sát Campuchia vẫn đang trong quá trình điều tra.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia sẽ tiếp tục theo dõi sát vụ việc, phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại trong quá trình điều tra, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam.

7. VnExpress: Cảnh sát thành phố Yokohama, Nhật Bản, hôm 5/9 thông báo bắt Le Thi Ngoc Hanh, sau khi người này dùng dao truy sát một người đàn ông và đâm nạn nhân ngay tại đồn cảnh sát Isogo. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện nhưng không qua khỏi bởi vết đâm ở thân trên. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết thêm thông tin về sự việc và những biện pháp bảo hộ công dân nếu có?

Về việc này, sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đã liên hệ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để làm rõ thông tin và triển khai các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp. Hiện nay phía cảnh sát Nhật Bản cho biết vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra.

8. Central News Agency: Campuchia gần đây công bố kế hoạch thành lập Trung tâm Việt Nam học tại Đại học Hoàng gia Phnom Penh. Điều này đã nhận được sự quan tâm và thảo luận của người dân về việc có cần thiết thành lập khoa này hay không. Những người phản đối cho rằng, việc thành lập khoa Việt Nam học sẽ là gia tăng sự ảnh hưởng về mặt văn hóa của Việt Nam đối với Campuchia. Đề nghị cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao?

Việt Nam và Campuchia là hai nước láng giềng gần gũi và có quan hệ truyền thống, gắn bó lâu đời, Chính phủ và Nhân dân hai nước luôn mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác sâu rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục – đào tạo.

Được sự đồng ý của Chính phủ hai nước, dự kiến Trung tâm Việt Nam học đầu tiên tại Campuchia sẽ được thành lập tại Trường Đại học Tổng hợp Hoàng gia Phnom Penh. Chúng tôi tin rằng sự kiện quan trọng và ý nghĩa này sẽ góp phần thúc đẩy hợp tác giáo dục, thương mại, đầu tư, tăng cường hiểu biết lẫn nhau và giao lưu giữa Nhân dân hai nước, đóng góp tích cực cho quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam và Campuchia.

9. Channel News Agency: Vận động viên Singapore Joseph Schooling vừa thừa nhận sử dụng cần sa vào tháng 05, giai đoạn thang gia SEA Games tại Việt Nam? Việc sử dụng cần sa có bị cấm tại SEA Games 31 hay không? Ban Tổ chức SEA Games 31 có kiểm tra doping với Schooling không? Ban Tổ chức SEA Games 31 có kế hoạch tiến hành rà soát việc sử dụng doping tại SEA Games sau sự kiện này không?

Qua tìm hiểu được biết, đến nay Ban Tổ chức SEA Games 31 chưa nhận được ý kiến phản ánh bằng văn bản của tổ chức, cá nhân nào về vấn đề này.

Công tác kiểm tra doping tại SEA Games 31 được triển khai theo đúng các quy định liên quan của Luật phòng chống doping thế giới, cũng như các luật, thông tư, nghị định liên quan của Việt Nam./.

Theo BNG
Có thể bạn quan tâm
1 2 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang