Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Tiếp nối truyền thống đối ngoại trên quê hương cách mạng
Là tỉnh miền núi, biên giới, Cao Bằng có vị trí chiến lược quan trọng, là “phên dậu” vững chắc phía Đông Bắc của Tổ quốc, là “cái nôi của cách mạng Việt Nam”. Cao Bằng có hơn 333 km đường biên giới tiếp giáp Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) với 634 cột mốc, 1 Cửa khẩu Quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh), 2 cửa khẩu song phương, 2 cửa khẩu phụ và nhiều lối mở qua lại biên giới, có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế cửa khẩu.

Cùng với vị trí địa lý đặc biệt, Cao Bằng là nơi lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc quyết định chọn trở về nước để trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam (ngày 28/1/1941). Cao Bằng là căn cứ địa cách mạng đầu tiên của cả nước, nơi thành lập Mặt trận Việt Minh và Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân (tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam) với 34 chiến sĩ, trong đó có 25 chiến sĩ là con em các dân tộc Cao Bằng. Từ Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo tài tình của lãnh tụ Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, ngọn lửa cách mạng đã lan tỏa và bùng cháy khắp cả nước, trở thành bão lửa cách mạng đánh đuổi thực dân, đế quốc, đi đến Cách mạng Tháng Tám thành công. Cao Bằng còn vinh dự là nơi Bác Hồ lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trực tiếp ra mặt trận chỉ huy chiến dịch tại Mặt trận Đông Khê để đi đến Chiến thắng Biên giới năm 1950.

Không chỉ là cái nôi của cách mạng Việt Nam, Cao Bằng còn là nơi đặt những dấu ấn quan trọng của ngoại giao Việt Nam. Ngày 2/11/1944, khi máy bay trinh sát của Mỹ bị hỏng buộc phi công phải nhảy dù xuống Nà Thúm thuộc Bản Ngần, xã Vĩnh Quang (Thành phố), ông Nam Cường lúc đó là Chủ nhiệm Ban Việt Minh tổng Hồng Việt đã giải cứu viên phi công Mỹ William Shaw. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh bí mật đưa phi công Mỹ William Shaw từ Cao Bằng sang Côn Minh, Vân Nam (Trung Quốc) trao trả cho đại diện Phái bộ Đồng minh, mở ra quan hệ giữa Việt Minh và phe Đồng minh trong chống phát xít. Trong chiến dịch Thập Vạn Đại Sơn năm 1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo hàng nghìn chiến sĩ ưu tú của Việt Nam (trong đó có nhiều con em Cao Bằng) giúp cách mạng Trung Quốc chiến đấu, góp phần giải phóng một vùng biên giới rộng lớn, mở ra cánh cửa bang giao với các nước xã hội chủ nghĩa. 

Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Ngoại vụ (ảnh chụp năm 2021).
Các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Sở Ngoại vụ (ảnh chụp năm 2021).

Tự hào truyền thống quê hương cách mạng, vận dụng sáng tạo tư tưởng ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình mới, hơn 20 năm xây dựng và phát triển, Sở Ngoại vụ chủ động tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh phát triển quan hệ hợp tác quốc tế, tích cực vận động tối đa các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh; đồng thời chú trọng kết hợp giữa công tác đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước với đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; qua đó công tác đối ngoại tỉnh đã giành được nhiều thành tựu quan trọng.

 

 

Ngày 31/12/2008, Chính phủ hai nước Việt Nam - Trung Quốc tuyên bố hoàn thành công tác phân giới, cắm mốc. Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc đã góp phần giải quyết ổn thỏa vấn đề biên giới, xây dựng đường biên giới Việt - Trung thành biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, giao lưu văn hóa - xã hội vùng biên giới. 

Quan hệ hợp tác với các địa phương của các nước với các tổ chức nước ngoài được mở rộng, thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Mối quan hệ hợp tác giữa Cao Bằng với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây được củng cố, tăng cường theo hướng toàn diện, hiệu quả thiết thực, đồng thời tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác với các tỉnh, thành khác của Trung Quốc; tổ chức gặp gỡ, giao lưu, hội đàm, hội thảo cấp tỉnh, cấp huyện và triển khai các thỏa thuận đã ký kết giữa hai bên về phát triển kinh tế, du lịch, văn hóa và đào tạo cán bộ, hợp tác lao động. 

Sở Ngoại vụ tham mưu cho tỉnh phối hợp với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây triển khai xây dựng cầu đường bộ Tà Lùng - Thủy Khẩu II; nâng cấp cặp Cửa khẩu Trà Lĩnh - Long Bang lên cửa khẩu quốc tế bao gồm mở Lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy; nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ 2 nước Việt Nam, Trung Quốc nâng cấp cặp Cửa khẩu Lý Vạn - Thạc Long lên cửa khẩu quốc tế và mở Lối mở Bản Khoòng - Nham Ứng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biên mậu. Đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu thu hút 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 36,7 triệu USD và 65 dự án đầu tư của nhà đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 12.373 tỷ đồng; có 33 dự án đi vào hoạt động, tạo nhiều việc làm cho cư dân biên giới, góp phần hoàn thiện hạ tầng cơ sở kinh tế cửa khẩu.

Sở Ngoại vụ tham mưu tỉnh phối hợp với Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại tham quan khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).
Sở Ngoại vụ tham mưu tỉnh phối hợp với Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức Lễ vận hành thí điểm cho du khách qua lại tham quan khu cảnh quan Thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc).

Tham mưu cho tỉnh triển khai vận hành thí điểm qua lại Khu cảnh quan thác Bản Giốc - Đức Thiên theo Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch thác Bản Giốc - Đức Thiên mang ý nghĩa to lớn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tạo tiền đề để đưa Khu cảnh quan vào vận hành chính thức trong thời gian tới, thúc đẩy hợp tác du lịch, tăng cường giao lưu hữu nghị giữa nhân dân địa phương hai bên biên giới và nhân dân hai nước Việt - Trung, góp phần quan trọng thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phát triển và đi vào chiều sâu.

20 năm qua với muôn vàn khó khăn, thử thách, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Ban Đối ngoại Trung ương, sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, Thành phố, đồng bào, đồng chí, Sở Ngoại vụ đã vượt qua khó khăn, nỗ lực hết mình, đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực và thành tích đạt được, Sở Ngoại vụ được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba; nhiều cá nhân, tập thể được nhận cờ thi đua, bằng khen của Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Chủ tịch UBND tỉnh, Huy hiệu “Vì sự nghiệp phát triển tỉnh Cao Bằng”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp ngoại giao”. Đây là sự ghi nhận và đánh giá cao cho những đóng góp tích cực của Sở Ngoại vụ đối với tiến trình xây dựng và phát triển tỉnh Cao Bằng.

Tiếp nối truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, Sở Ngoại vụ tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, vận dụng linh hoạt chủ trương, đường lối đối ngoại theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh triển khai hiệu quả hơn nữa công tác đối ngoại tại địa phương.

Phạm Văn Cao, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Ngoại vụ 
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang