Đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Tinh
thần chung của Hội nghị là bàn và thống nhất ngay từ đầu năm những định hướng,
trọng tâm ưu tiên và các biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại
giao kinh tế trong năm 2022, nhằm đóng góp tích cực, hiệu quả vào phục hồi,
phát triển kinh tế-xã hội và củng cố các nền tảng cho tăng trưởng, phát triển
nhanh và bền vững của đất nước trong các năm tới.
Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Chiều
tối ngày 21/01 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai
công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế -
xã hội. Đây là lần đầu tiên Bộ Ngoại giao tổ chức một hội nghị về công tác ngoại
giao kinh tế với sự tham dự của tất cả các Đại sứ, Tổng Lãnh sự Việt Nam ở nước
ngoài, Lãnh đạo các tỉnh, thành của Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp, để
cùng đánh giá kết quả công tác ngoại giao kinh tế năm 2021 và trao đổi, thống
nhất kế hoạch của năm 2022.
Đồng
chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã chủ trì
Hội nghị, cùng dự có các đồng chí Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, 94 đồng chí Đại sứ, Tổng
Lãnh sự Việt Nam, các đồng chí Lãnh đạo địa phương, Lãnh đạo các hiệp hội và Thủ
trưởng các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế của Bộ Ngoại giao.
Hội
nghị được tổ chức nhằm cụ thể hóa, triển khai các chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn
Phú Trọng tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc, Nghị quyết và Chương trình hành động
của Hội nghị Ngoại giao 31 đối với trụ cột ngoại giao kinh tế. Tinh thần chung
của Hội nghị là bàn và thống nhất ngay từ đầu năm những định hướng, trọng tâm
ưu tiên và các biện pháp cụ thể để đẩy mạnh hơn nữa công tác ngoại giao kinh tế
trong năm 2022, nhằm đóng góp tích cực, hiệu quả vào phục hồi, phát triển kinh
tế-xã hội và củng cố các nền tảng cho tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững
của đất nước trong các năm tới.
Báo
cáo hội nghị về kết quả ngoại giao kinh tế năm 2021 và phương hướng năm 2022,
Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, Trưởng Ban Chỉ đạo Ngoại giao kinh tế nhấn
mạnh, năm 2021 vừa khép lại là năm đầu tiên triển khai Nghị quyết Đại hội XIII
của Đảng, song cũng là năm hết sức khó khăn, với những thử thách chưa có tiền lệ
đối với kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh đó, trên cơ sở bám
sát các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của
các bộ, ngành, địa phương, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai quyết
liệt, đóng góp tích cực cho Chính phủ trong thực hiện mục tiêu kép, với các điểm
sáng là ngoại giao vắc-xin, công tác nghiên cứu, tham mưu, tổ chức nhiều hoạt động
xúc tiến, kết nối gắn với các hoạt động đối ngoại cấp cao.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với báo cáo và
đánh giá tư duy triển khai ngoại giao kinh tế trong năm 2021 đã bắt kịp yêu cầu,
tình hình và diễn biến quốc tế, được triển khai với tinh thần hết sức chủ động
và khẩn trương, đáp ứng đúng với yêu cầu của Chính phủ, nhu cầu của địa phương
và doanh nghiệp.
Các
đại biểu cho rằng, bối cảnh và tình hình năm 2022 có rất nhiều thay đổi so với
năm 2021, trong đó có nhiều cơ hội nhưng cũng rất nhiều thách thức. Kinh tế thế
giới dự báo tiếp tục đà phục hồi, các xu thế phát triển xanh, kinh tế số là xu
hướng không thể đảo ngược nhưng tăng trưởng kinh tế không đồng đều, lạm phát,
giá nhiên liệu tăng, diễn biến dịch bệnh vẫn sẽ đặt ra nhiều khó khăn cho kinh
tế Việt Nam. Do đó, công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 cần tiếp tục được triển
khai với tinh thần quyết liệt của năm 2021, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi
và phát triển kinh tế, tạo nền tảng để kinh tế nước ta “bứt phá”, thực hiện thắng
lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025. Trong phát biểu của
mình, Lãnh đạo địa phương và doanh nghiệp cảm ơn sự đồng hành, hỗ trợ của Bộ
Ngoại giao trong năm vừa qua và nêu các yêu cầu, đề xuất về hỗ trợ kết nối với
các thị trường nước ngoài, thông tin kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi và phát
triển kinh tế, phát triển các ngành có thể tạo đột phá như nông nghiệp, du lịch
chất lượng cao, ứng phó với biến đổi khí hậu, để Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại
diện đưa vào kế hoạch hành động ngoại giao kinh tế năm 2022.

Hội nghị trực tuyến triển khai công tác ngoại giao kinh tế năm 2022 phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội
Phát
biểu kết luận, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn biểu dương công tác ngoại giao kinh tế
trong năm 2021 đã đạt nhiều thành tích nổi bật, có ý nghĩa hết sức quan trọng,
đóng góp trực tiếp và hiệu quả vào nỗ lực chung của đất nước về phòng chống dịch
bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, công tác ngoại giao vắc-xin,
hỗ trợ Chính phủ và các bộ, ngành địa phương trong đẩy lùi dịch bệnh đã được
triển khai hết sức quyết liệt và sáng tạo. Chỉ trong bốn tháng, từ một nước có
tỷ lệ tiêm vắc-xin thấp nhất khu vực, Việt Nam đã lọt vào trong nhóm 6 nước
hàng đầu thế giới về bao phủ vắc-xin, được bạn bè và doanh nghiệp quốc tế nể phục,
đánh giá rất cao. Công tác tham mưu cho Chính phủ, hỗ trợ các bộ, ngành, địa
phương trong duy trì, mở rộng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt
Nam cũng được triển khai mạnh mẽ, thông qua các hoạt động đối thoại của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ với nhiều doanh nghiệp FDI. Bộ trưởng khẳng định, các
thành quả đó có sự chỉ đạo và tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao, sự phối
hợp chặt chẽ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cũng như
nỗ lực rất lớn của các Cơ quan đại diện ta ở nước ngoài.
Về
phương hướng năm 2022, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, trong bối cảnh các nước
đã bắt đầu mở cửa, phục hồi nền kinh tế, xu hướng giao lưu, du lịch được đẩy mạnh,
các xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cơ cấu lại chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ
mở ra nhiều cơ hội mới cho địa phương, doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu của ngoại
giao kinh tế năm 2022 là phục vụ mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đó, phương châm của toàn ngành Ngoại giao trong triển khai công tác ngoại
giao kinh tế năm 2022 là “Quyết liệt, đổi mới, chủ động thích ứng, hiệu quả,
sáng tạo” trong thực hiện ba nhiệm vụ chính:
Một
là, đóng góp mạnh mẽ vào phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, tiếp tục đẩy mạnh
các hoạt động phục vụ chủ trương của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt,
kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
Hai
là, thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng, kịp thời nắm bắt những xu hướng mới,
thúc đẩy tăng trưởng xanh, sạch, chuyển đổi số..., củng cố nền tảng hợp tác
kinh tế phục vụ cho phục hồi, phát triển đất nước trong dài hạn.
Bà
là, tiếp tục triển khai công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển lấy người
dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, nâng cao hiệu quả công
tác đối ngoại của địa phương và doanh nghiệp, chú trọng đôn đốc triển khai thực
chất và hiệu quả các cam kết và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường nước
ngoài, tận dụng các cơ hội mà các xu thế mới mang lại.
Để
triển khai các mục tiêu trên, Bộ trưởng yêu cầu Ban Chỉ đạo ngoại giao kinh tế
hoàn thiện Chương trình ngoại giao kinh tế năm 2022 theo 8 nhóm giải pháp, tập
trung vào tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phục vụ chủ trương của Chính phủ về
thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19; tăng cường
các hoạt động phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế; tranh thủ tối đa, tận dụng
tốt nhất các nguồn lực phát triển mới như các quỹ đầu tư chính phủ, các quỹ đầu
tư xanh, các sáng kiến khu vực và đa phương. Bộ trưởng đề nghị, ngoại giao kinh
tế cần tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế với các đối tác,
hình thành các cơ chế phối hợp liên ngành trong hỗ trợ triển khai ngay một số
lĩnh vực ưu tiên như khoa học – công nghệ, nâng cao năng lực y tế, ứng phó với
biến đổi khí hậu, nông nghiệp thông minh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng
cao… để tạo động lực bứt phá cho tăng trưởng. Trong hoạt động với các đối tác
nước ngoài, cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, kết nối địa phương và
doanh nghiệp, đặc biệt nhân dịp các hoạt động cấp cao và tổ chức các hoạt động
xúc tiến ở địa phương nhằm tăng cường sự hiểu biết, quảng bá tiềm năng của các
địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tới các đối tác quốc tế.
Để
thực hiện các nhiệm vụ này, Bộ trưởng đề nghị toàn ngành Ngoại giao dồn toàn lực,
phát huy tối đa các nguồn lực cho mục tiêu và khát vọng của đất nước. Từng cơ
quan đại diện phải xây dựng những kế hoạch, đề án cụ thể và lộ trình thực hiện
và triển khai với quyết tâm cao nhất, với tinh thần chủ động, sáng tạo để góp
phần đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế mà Đảng, Chính phủ đã đề ra./.