Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc: Hợp tác bền vững trong tương lai

“30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc” là cuốn sách tập hợp các báo cáo nhìn lại những thành tựu của hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc từ sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao, đồng thời đề xuất những phương án chuẩn bị cho một tương lai bền vững trong 30 năm tới giữa hai nước.

Chiều 22/8, tại Hà Nội, Viện nghiên cứu Chính sách kinh tế đối ngoại Hàn Quốc (KIEP) tổ chức tọa đàm “30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Hàn Quốc và Việt Nam: Hợp tác bền vững trong tương lai”.

Tọa đàm được tổ chức nhằm công bố các báo cáo kết quả nghiên cứu trong cuốn sách “30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc”, được thực hiện nhân kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương Việt Nam - Hàn Quốc (1992-2022).

Cuốn sách “30 năm hợp tác kinh tế và xã hội giữa Việt Nam và Hàn Quốc”. 

Cuốn sách là tập hợp công trình nghiên cứu của nhóm giáo sư, nhà nghiên cứu 6 người, (3 người Hàn Quốc: Kwak Sungil, Beak Yong – Hun, Lee Han- Woo; 3 người Việt Nam: Lê Quốc Hưng, Vũ Mạnh Lợi, Nguyễn Thị Thanh Huyền). Các tác giả đều là các chuyên gia về kinh tế, xã hội và đều công tác tại các viện nghiên cứu và trường đại học tại Việt Nam và Hàn Quốc. Việc lựa chọn nhóm nghiên cứu từ cả hai nước để có cái nhìn đa chiều từ cả Việt Nam và Hàn Quốc.

Nhóm nghiên cứu đã tập trung xem xét hiện trạng hợp tác kinh tế, xã hội và văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 30 năm qua và cùng nhau đề xuất những đánh giá khách quan nhằm mục tiêu thiết kế một tương lai tốt đẹp hơn giữa hai nước trong những năm tiếp theo.

Tại tọa đàm, các đại biểu đều khẳng định: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 12 năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt được những thành quả hợp tác đáng kể trong hơn 30 năm qua. Việc mở rộng hợp tác nhanh chóng giữa hai nước là do hai nước có tính tương đồng và những điểm chung về mặt địa lý, lịch sử và văn hóa. Mặc dù Việt Nam nhìn từ lập trường của Hàn Quốc và Hàn Quốc nhìn từ lập trường của Việt Nam là khác nhau, nhưng hai nước đã cố gắng tránh né điều này và chỉ tập trung vào việc mở rộng hợp tác kinh tế trong 30 năm qua.

Việt Nam đang phát triển ổn định thông qua việc mở cửa thị trường tích cực và cải cách từng bước. Tốc độ tăng trưởng GDP thực tế bình quân hàng năm của Việt Nam kể từ năm 1986 khi Việt Nam lần đầu tiên tuyên bố chính sách “Đổi mới” đến năm 2020 là khoảng 6,5%. Tuy xuất phát điểm khác nhau nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam trùng khớp với kinh nghiệm tăng trưởng cao của Hàn Quốc. Việt Nam và Hàn Quốc giống nhau ở điểm người dân cần cù và sự lãnh đạo quốc gia “quyết liệt” đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cho dù thể chế hai nước khác nhau. Sự tương đồng này là điểm khởi đầu cho quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai nước ngày càng sâu rộng.

Toàn cảnh tọa đàm. 

Hiện nay, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam. Theo số liệu thống kê được công bố, trong 30 năm qua, quan hệ thương mại giữa 2 nước đã tăng gấp 150 lần đang tiến tới mục tiêu 100 tỷ USD vào năm 2023. Trong lĩnh vực đầu tư, tăng gấp 80 lần. Hàn Quốc từ nhiều năm nay luôn là nhà đầu tư đứng thứ nhất tại Việt Nam với hơn 9.000 doanh nghiệp và tổng số vốn đầu tư lũy kể đến năm 2020 đạt trên 70 tỷ USD, chiếm 18,5% tổng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam.  Chỉ với 2 số liệu này có thể thấy những thành tựu về hợp tác kinh tế giữa hai nước lớn đến mức nào.

Bên cạnh đó, các chỉ báo liên quan đến giao lưu nhân dân cho thấy tính cần thiết của việc nâng cao chất lượng trong hợp tác song phương. Tỷ lệ cộng đồng Việt Nam tại Hàn Quốc và cộng đồng Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng tăng. Tính đến năm 2019, Việt Nam là quốc gia có lượng du khách Hàn Quốc và Hàn kiều hải ngoại nhiều nhất trong các nước ASEAN. Thêm nữa, Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng khách du lịch và lưu trú ở Hàn Quốc cao nhất trong các nước ASEAN. Số lượng người di trú từ Việt Nam tăng lên trong tất cả các lĩnh vực theo diện lưu trú như lao động, kết hôn, du học.... Như vậy, sự gia tăng lượng du khách và người nhập cư giữa hai nước cho thấy cần có sự hợp tác thiết thực và cụ thể để nâng cao hiểu biết lẫn nhau và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân hai nước, trong đó có lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe.

Đối với lĩnh vực văn hóa, vấn đề lớn nhất trong giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc là chưa có sự giao lưu cân bằng hai chiều, mà chỉ có văn hóa Hàn Quốc đang đơn phương du nhập vào Việt Nam giữa dòng chảy khổng lồ của làn sóng Hallyu. Mặc dù chính phủ Hàn Quốc nhấn mạnh phải giao lưu văn hóa hai chiều, nhưng rất ít người Hàn Quốc được trực tiếp trải nghiệm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc. Vì vậy, nỗ lực cải thiện sự mất cân bằng trong giao lưu văn hóa đang được xem là nhiệm vụ cấp bách nhất để có thể mở rộng giao lưu văn hóa một cách bền vững.

Báo cáo nghiên cứu của cuốn sách khẳng định: để hai nước cộng tác bền vững trong 30 năm tới, cần có sự hiểu biết cân bằng và sự đồng cảm liên tục trong sự tin cậy lẫn nhau. Để đạt được mục tiêu này, hai nước cần tìm kiếm phương án cùng đóng góp vào việc mở rộng thương mại ra thế giới và nghiên cứu này đề xuất việc tham gia vào thị trường nước thứ ba thông qua hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Sự mất cân bằng thương mại có thể được giải quyết bằng cách tăng cường nhập khẩu các sản phẩm của Việt Nam, và việc phát triển năng lực xuất khẩu cùng với các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở Việt Nam cũng là một phương án. Bên cạnh đó, để duy trì và củng cố mối quan hệ hợp tác bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong tương lai, cần tạo ra nhiều cơ hội hơn nữa để nhân dân hai nước có thể hiểu nhau hơn. Có như vậy, hai nước mới có thể nuôi dưỡng lòng tin và cùng nhau hợp tác. Ngoài ra để giảm tình trạng mất cân bằng về hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, xã hội giữa hai nước, khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang có thế mạnh ở Việt Nam thì ngược lại, việc giới thiệu văn hóa Việt Nam không đầy đủ tại Hàn Quốc là mối lo ngại lớn. Do đó, ngay từ bây giờ, cần nâng cao sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và xã hội. Sự hiểu biết sâu sắc về nhau cũng sẽ giúp nâng cao mức độ và chất lượng của hợp tác kinh tế.

Theo dangcongsan.vn
ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang