Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tổng lượt truy cập: 1
Đăng nhập
Khám phá cảnh quan Phja Oắc ở Cao Bằng
Phja Oắc (Nguyên Bình) nổi tiếng về những tiểu vùng khí hậu khác nhau từ chân núi lên đỉnh núi, tạo nên sự đa dạng với nhiều thảm thực vật phong phú, là địa điểm thích hợp cho những du khách yêu thích khám phá tìm hiểu về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng.

Khung cảnh núi non khi nhìn từ Phja Oắc.

Với địa hình phức tạp, chủ yếu là núi cao có độ dốc lớn và thung lũng nhỏ hẹp, Phja Oắc có nhiều đỉnh núi cao trên 1.000 - 2.000 m so với mực nước biển, trong đó Phja Oắc cao 1.931 m, là đỉnh núi cao thứ hai ở Cao Bằng. Nơi đây có sự đan xen giữa các loại đá lục nguyên, đá vôi và đá xâm nhập granit, tạo nên các dãy núi đất xen với núi đá. Sự đa dạng về địa hình, địa mạo, địa chất, cộng với điều kiện khí hậu đặc trưng đã tạo nên các hệ sinh thái đặc thù của vùng núi cao Phja Oắc, đồng thời cũng là nền tảng cấu thành tính đa dạng sinh học của khu vực này.

Cung đường lên đỉnh Phja Oắc dốc đứng uốn lượn bao quanh ngọn núi, kéo dài hơn chục ki-lô-mét từ chân núi đến đỉnh núi là nơi cao nhất của "Cánh cung Ngân Sơn". Dọc đường lên đỉnh núi, du khách không khỏi ngỡ ngàng bởi cảnh quan và thời tiết thay đổi theo từng đoạn đường. Từ chân núi lên, vào mùa đông, những bông lau nở rộ ôm trọn lấy con đường như những bông tuyết xinh đẹp mà kiêu sa. Dọc đường đi sẽ có nhiều điểm quan sát được những dãy núi cao hùng vỹ nối tiếp nhau, bên trên những ngọn núi là lớp sương mờ ảo bay lượn bao phủ trùng điệp núi rừng.

 

Du khách tìm hiểu về Công viên địa chất Toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng về cảnh quan Phja Oắc.

Càng lên cao, cảnh quan Phja Oắc như đang khoe trọn vẻ đẹp gió núi mây ngàn với những cây cổ thụ phủ đầy rêu xanh có nhiều hình dạng khác nhau, tạo cảm giác cổ kính mang đầy sự bí ẩn.

Phja Oắc còn có dấu ấn của người Pháp, trong đó có ngôi biệt thự được xây dựng bằng đá đến nay vẫn tồn tại, giữ được hình dáng và kiến trúc.

Lên đến đỉnh Phja Oắc, du khách như lạc vào một vùng đất khác bởi sự thay đổi thời tiết đột ngột. Làn sương khói bay lượn dày đặc tạo thành những hạt mưa trong suốt đọng trên từng ngọn cỏ. Vào những ngày mùa đông, nhiệt độ xuống âm độ thì trên đỉnh Phja Oắc sẽ có băng tuyết, những lớp băng tích tụ trên lá cây, ngọn cỏ tạo nên một màu trắng xóa.

 

Cây cổ thụ phủ đầy rêu xanh.

Trên ngọn Phja Oắc có một cây cổ thụ nổi tiếng với nhiều tên gọi mà du khách đặt cho như: cây phong ba, cây bão táp, cây cô đơn. Cây cô đơn đứng một cõi giữa khung cảnh đại ngàn ngay trên đỉnh núi, phía dưới là thung lũng bạt ngàn có thể nhìn thấy mây bay uốn lượn, như một sinh thể trong xứ sở thần tiên. Cây khô cằn, bám đầy rêu xanh và các thực vật khác, trước phong ba, bão táp vẫn hiên ngang đứng thẳng. Đến nay, gốc cây cô đơn chính là địa điểm chụp ảnh yêu thích của mọi khách du lịch đến nơi đây tham quan.

Là vùng đất với vẻ đẹp hoang sơ, bí ẩn, nhiều thảm thực vật, Phja Oắc chính là cảnh quan mà khách du lịch yêu thích khám phá không nên bỏ qua.    

ipv6 ready Chung nhan Tin Nhiem Mang