Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc
Là địa phương có nhiều giá trị đặc sắc về cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cũng như bản sắc văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc, những năm qua, Bảo Lạc đã khai thác lợi thế phát triển du lịch cộng đồng (DLCĐ) gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa của các dân tộc, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

|
Chợ
tình phong lưu huyện Bảo Lạc là nơi hội tụ nhiều nét văn hóa của các dân tộc
trên địa bàn.
|
Thực hiện Chương trình số 10 - Ctr/TU ngày
29/4/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020, huyện Bảo Lạc xác
định phát triển du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn dựa vào việc khai thác
các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Khuổi Khon, xã Kim Cúc có 61 hộ, 293 nhân khẩu,
100% là dân tộc Lô Lô đen. Người Lô Lô nơi đây vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn
những nét văn hóa phong phú, đặc sắc từ lâu đời, như: ngôn ngữ, làn điệu dân
ca, dân vũ, các lễ hội, không gian kiến trúc nhà sàn, trang phục, nghề thủ
công... Đặc biệt, Khuổi Khon còn giữ và đánh trống đồng cổ xưa truyền lại từ
hơn 2.000 năm. Đây cũng là khu vực có tiềm năng để phát triển DLCĐ, cảnh quan
thiên nhiên vẫn giữ được những nét nguyên sơ và ít bị ảnh hưởng bởi sự phát
triển của xã hội.
Vì vậy, những năm qua, Khuổi Khon được coi như
một điểm sáng về phát triển DLCĐ ở Bảo Lạc. Được biết, để Khuổi Khon phát triển
thành điểm DLCĐ hấp dẫn, trong thời gian qua, huyện đã xây dựng Đề án bảo tồn
bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lô Lô gắn với phát triển điểm DLCĐ xóm
Khuổi Khon và được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phê duyệt với tổng mức đầu
tư 5 tỷ đồng.
Đến với điểm DLCĐ người Lô Lô ở Khuổi Khon, du
khách sẽ được đắm mình vào thiên nhiên hoang sơ, kỳ vĩ và con người mộc mạc,
mến khách; được trải nghiệm, khám phá những nét độc đáo, huyền bí của cư dân
nơi này. Bà con nơi đây cho biết, mỗi tháng xóm đón khoảng 100 lượt khách đến
tham quan, trải nghiệm. Có mô hình du lịch đã mở ra cho người dân một hướng
phát triển mới.
Chị Chi Thị Viễn, xóm Khuổi Khon cho biết: Hiện
nay, xóm đã thành lập được câu lạc bộ thêu, dệt thổ cẩm thành những mặt hàng
lưu niệm để bán cho du khách; xóm cũng vừa có một nhà dịch vụ Homestay để phục
vụ khách đến tham quan, du lịch. Có thể nói từ phát triển DLCĐ, người dân nơi
đây đã biết thêm nghề làm dịch vụ du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng
bào.

|
Người
dân tộc Lô Lô, xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc) giữ được nghề dệt thổ cẩm
của dân tộc.
|
Cùng với phát triển DLCĐ ở Khuổi Khon, Bảo Lạc
cũng quan tâm phát triển du lịch theo mô hình sinh thái, phát huy bản sắc dân
tộc địa phương. Huyện đã cho khôi phục các lễ hội truyền thống của địa phương,
như: Lễ hội Lồng tồng, Chợ tình Phong lưu (Háng toán), Lễ mừng cơm mới của dân
tộc Lô Lô, đám cưới truyền thống của dân tộc Tày, Lễ cấp sắc dân tộc Dao Đỏ,
Sán Chỉ, Ngày hội văn hóa dân tộc Mông…; tuyên truyền để nhân dân giữ nguyên
cảnh quan, kiến trúc, trang phục truyền thống, tạo không gian văn hóa và các
món ăn đậm đà bản sắc dân tộc để phục vụ du khách; thành lập các đội văn nghệ
quần chúng, các câu lạc bộ hát then (đàn tính), câu lạc bộ hát các làn điệu dân
ca: lượn cọi, nàng ới, pựt lằn, phong slư, múa sluông chầu...
Nghiên cứu, sưu tầm các nghi lễ, các lễ hội
truyền thống của dân tộc; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của
các dân tộc thiểu số: Nghệ thuật múa khèn dân tộc Mông; âm nhạc dân tộc Dao,
các làn điệu dân ca của dân tộc Lô Lô, Sán Chỉ... Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì
tổ chức tốt các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian như: bắn nỏ, tung còn,
kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo...
Trên địa bàn huyện hiện có 19 cơ sở kinh doanh
khách sạn, nhà nghỉ lưu trú du lịch, trong đó có 6 khách sạn, 2 Homestay và 11
nhà nghỉ; 8 nhà hàng, 12 quán ăn bình dân; 1 khu vui chơi trẻ em và 2 bể bơi; 9
cơ sở kinh doanh dịch vụ Karaoke và hơn 15 cơ sở kinh doanh dịch vụ giải khát.
Trong năm 2019, có 14.191 lượt khách đến lưu trú tại huyện, tăng 53,56% so với
cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế 4.777 lượt, tăng 66,91%; khách nội
địa 9.414 lượt, tăng 47,57%. Công suất sử dụng buồng, phòng đạt 73%; tổng doanh
thu từ du lịch đạt trên 5,6 tỷ đồng.

|
Xóm
du lịch cộng đồng Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc).
|
Bảo Lạc phấn đấu đến năm 2025 ngành dịch vụ - du
lịch chiếm tỷ trọng từ 12 - 15% trong tổng doanh thu của huyện; có trên 60% lao
động hoạt động du lịch trực tiếp được đào tạo chuyên môn, 70% lao động tham gia
kinh doanh dịch vụ tại khu du lịch được bồi dưỡng về văn hóa giao tiếp, bồi
dưỡng kiến thức kinh doanh du lịch cộng đồng... Thu hút khách du lịch đến năm
2025 đạt 30.000 lượt khách, thu nhập xã hội từ du lịch đạt khoảng 10 tỷ đồng.
Với mục tiêu đó, hiện nay, Bảo Lạc đã và đang
huy động các nguồn lực và kêu gọi các nguồn hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ
tầng của huyện, điểm du lịch Thiêng Qua; đẩy nhanh tiến độ dự án bảo tồn bản
sắc văn hóa truyền thống và điểm du lịch cộng đồng Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim
Cúc. Quy hoạch, mở rộng thị trấn Bảo Lạc và đầu tư nâng cấp Chợ Trung tâm Thị
trấn. Quy hoạch phố ẩm thực và khu phố chợ đêm thứ Sáu và thứ Bảy hằng tuần,
phấn đấu xây dựng thị trấn Bảo Lạc trở thành trung tâm dịch vụ - du lịch miền
Tây của tỉnh.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ hộ gia đình
làm mô hình du lịch Homestay tại xã Xuân Trường nhằm khai thác du lịch khám phá
Dốc 14 tầng và du lịch hồ Thôm Lốm (xã Xuân Trường). Tuyên truyền và vận động
nhân dân tham gia phát triển DLCĐ cung cấp các dịch vụ như nhà nghỉ, phương
tiện vận chuyển, phục vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm, hỗ trợ du khách… Đồng
thời, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như nhà cửa, phong tục tập quán,
trang phục, ẩm thực…
Tổ chức các sự kiện văn hóa - thể thao, như: Tổ
chức Lễ hội Lồng Tồng; Ngày hội văn hóa dân tộc Mông; Ngày hội văn hóa và Lễ
mừng cơm mới (Lễ cầu mưa) của dân tộc Lô Lô; Tuần lễ văn hóa và Chợ tình phong
lưu huyện Bảo Lạc. Đẩy mạnh việc quảng bá du lịch và văn hóa trên các phương
tiện thông tin đại chúng, trên cổng thông tin điện tử của huyện và trên các
mạng xã hội… Hướng đến đạt mục tiêu: Bảo Lạc là điểm đến An toàn - Thân thiện -
Chất lượng - Hấp dẫn - Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.